Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 12/04/2022
Ngày có hiệu lực 12/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 150/QĐ-TTG NGÀY 28/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; góp phần ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phân công nhiệm vụ cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo mối gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành, huy động mọi nguồn lực để tổ chức, thực hiện đạt các mục tiêu kế hoạch mang lại hiệu quả thiết thực.

2. Yêu cầu

Bám sát các nội dung của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thường xuyên có kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch; kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời với làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, người làm nông nghiệp.

Xây dựng nông thôn toàn diện, văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, an ninh trật tự được giữ vững. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp bình quân hằng năm tăng 3 - 3,5%/năm.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn; trồng rừng mới hằng năm đạt trên 9.000 ha/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 10.000 ha.

- Tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2030 đạt 100%; có thêm ít nhất 140 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

- Phấn đấu nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2030 là 145/181 xã, chiếm tỷ lệ 80%; số tiêu chí bình quân 01 xã trên địa bàn tỉnh đạt trên 17 tiêu chí; toàn tỉnh có 50 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2020; phấn đấu không còn huyện nghèo, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện và hiện đại, nâng cao giá trị, tăng tỷ lệ xuất khẩu, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới đến toàn thể cán bộ đảng viên, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tầng lớp Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng, nội dung tập trung tuyên truyền về: phát triển nền nông nghiệp bền vững, tăng khả năng thích ứng và chống chịu biến động, bảo đảm cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai; phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan, sức khỏe con người; chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị; phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi... chú trọng phương pháp tuyên truyền trực quan bằng các mô hình, giải pháp sản xuất có hiệu quả, tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để từ đó lan tỏa, nhân rộng.

Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội đầu tư, cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển để xúc tiến, kêu gọi, huy động được tối đa nội lực trong tỉnh, thu hút mạnh các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh tạo chuyển biến tích cực hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

[...]