Kế hoạch 41/KH-UBND năm 2022 thực hiện "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 41/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Nam Định, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Văn bản số 198/TTg-NN ngày 25/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Quyết định số 150/QĐ-TTg cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh; là căn cứ để các cấp, các ngành xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nam Định.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh.

- Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị đối với những nhiệm vụ trọng tâm theo đúng với tinh thần Quyết định số 150/QĐ-TTg.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của Tỉnh, theo hướng hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và khả năng cạnh tranh nông sản, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại kết nối với đô thị. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2,0 - 2,5%/năm; tỷ trọng ngành nông lâm, thủy sản chiếm xấp xỉ 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 75%.

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%.

- Có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 35% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,0%. Duy trì ổn định diện tích khu bảo tồn vùng đất ngập nước VQG Xuân Thủy.

2.2. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu đến năm 2050, Nam Định trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, trong đó nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

1.1. Cơ cấu theo các nhóm sản phẩm chủ lực

1.1.1. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh

Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh: Lúa (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản); rau, củ (theo hướng hữu cơ, VietGap,…); hoa, cây cảnh (hoa cúc, hoa ly, cây bonsai, cây thế); lợn (lợn thịt và lợn sữa), gà (thịt và trứng); tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), ngao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể:

[...]