Kế hoạch 1363/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 1363/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2022
Ngày có hiệu lực 04/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1363/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIII về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 13/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIV về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Giao trách nhiệm cho các Sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của đơn vị.

II. MỤC TIÊU

1. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị trong kinh tế nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác thông qua chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và số hóa nông nghiệp.

2. Nâng cao vị thế, vai trò chủ thể, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm khoảng cách giàu, nghèo giữa khu vực nông thôn và đô thị; củng cố và phát triển cộng đồng để phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người dân, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững;

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ phù hợp và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, có sức cạnh tranh cao và bền vững; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; môi trường cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự khu vực nông thôn được giữ vững.

III. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Giai đoạn 2021-2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 04-05%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm.

- Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, có ít nhất 03 sản phẩm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh được xuất khẩu1. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản bình quân từ 5 - 6%/năm.

- Nâng cao thu nhập người dân đến năm 2030 tăng gấp 3 lần so với 2020; giảm nghèo bền vững, duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân ít nhất 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 80%.

- Có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 95% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 15% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 65% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 49%.

2. Tầm nhìn đến 2050

Phấn đấu Ninh thuận trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để xác định cụ thể và ưu tiên tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng vùng, địa phương cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, gắn với số hóa vùng trồng; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

- Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ- UBND ngày 27/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đối với nhóm sản phẩm đặc thù: Tập trung phát triển các sản phẩm được phê duyệt tại Quyết định số 1493/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gắn với phát triển các sản phẩm đặc sản theo Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 14/01/2019. Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

2. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương:

[...]