Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 05/08/2017
Ngày có hiệu lực 05/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 05 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 28/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 526/QĐ-UBND ngày 31/12/2012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020; số 436/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 22/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2020.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà tỉnh có thế mạnh; có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của tỉnh, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng, bao gồm: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; thủ công mỹ nghệ truyền thống; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; phát thanh và truyền hình; điện ảnh; kiến trúc; thiết kế.

- Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy tín và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

2. Mục tiêu chủ yếu

2.1. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,3% GRDP của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; trong đó đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 15% trong tổng số khoảng 2.500 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.

- Phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa; quảng cáo; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ truyền thống; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.

- Định hướng và từng bước phát triển các lĩnh vực: Phát thanh và truyền hình; xuất bản; thiết kế; thời trang; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí trở thành những ngành kinh tế dịch vụ.

2.2. Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030

- Phấn đấu tổng thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 3% GRDP của tỉnh; trong đó đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 5.500 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.

- Phát triển đa dạng, từng bước đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

1.1. Công tác tuyên truyền, quảng bá

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

- Tăng cường quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ văn hóa của công chúng, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm văn hóa có chất lượng mang thương hiệu Tuyên Quang có sức cạnh tranh cao với thị trường trong nước và khu vực, mở rộng quan hệ hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo sản phẩm và thị trường cho công nghiệp văn hóa phát triển.

1.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan;... Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm và vốn để đầu tư vào các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trọng điểm (chính sách về thuế, vốn, đất đai...).

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

[...]