Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 169/KH-UBND
Ngày ban hành 29/09/2017
Ngày có hiệu lực 29/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 169/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2. Yêu cầu

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các cấp gắn với quảng bá hình ảnh, con người xứ Thanh tới bạn bè trong nước và quốc tế.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức

- Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội;

- Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách

- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới, nhằm cải thiện điều kiện cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp, nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;

- Tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ;

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch.

3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

- Ban hành kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời có chế độ đãi ngộ, khuyến khích hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và chính quy, có kinh nghiệm trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến làm việc tại Thanh Hóa.

- Đào tạo và thường xuyên tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đang làm việc trong các ngành công nghiệp văn hóa để nâng cao chất lượng trong hoạt động chuyên môn.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ

- Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của tỉnh như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phát thanh và truyền hình, triển lãm, chiếu bóng gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại;

- Tăng cường đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

5. Thu hút và hỗ trợ đầu tư

- Có chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có tiềm năng, lợi thế, như: Chiếu bóng, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, điêu khắc đá, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa tâm linh...

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong tỉnh tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa;

- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư; khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa;

- Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

[...]