Kế hoạch 49/KH-UBND năm 2015 về Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 102/NQ-CP về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 49/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2015
Ngày có hiệu lực 22/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 22 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW NGÀY 09/6/2014 HỘI NGHỊ LẦN THỨ CHÍN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 102/NQ-CP NGÀY 31/12/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 18/9/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng, phát triển văn hóa Tuyên Quang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, động lực phát triển của tỉnh. Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến". Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng hệ thống chính trị phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phấn đấu đến năm 2020 Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2020:

- Từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức. Xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, của đất nước và hội nhập quốc tế;

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước;

- Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa: 90%; số thôn, xóm, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa: 80%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa: 90%; số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới: 30%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị: 30%;

- Quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, phấn đấu 35% số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn; cơ bản 100% số thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, liên tổ dân phố có nhà văn hóa;

- Bảo tồn 05 làng văn hóa dân tộc; lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; có trên 80% di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được xếp hạng. Hoàn thiện công tác điều tra, sưu tầm, xây dựng “Ngân hàng dữ liệu” về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu;

- Duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng; nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao, phấn đấu có 30% số người tập thể dục thể thao thường xuyên; 25% số hộ gia đình thể thao; 100% số trường đảm bảo chương trình giảng dạy thể dục, thể thao nội khoá; 85% số trường tổ chức hoạt động thể dục, thể thao ngoại khoá;

- Nâng cao chất lượng nội dung, chương trình phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 07 đài truyền thanh huyện và 100% trạm truyền thanh cơ sở; tăng thời lượng chương trình phát thanh tự sản xuất của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh từ 8 giờ/ngày lên 12 giờ/ngày;

- Phấn đấu đảm bảo 98% số hộ dân có thiết bị thu xem truyền hình. Chuyển đổi 10 trạm truyền thanh hữu tuyến (có dây) sang truyền thanh vô tuyến (FM), đảm bảo 100% trạm truyền thanh cơ sở sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu vô tuyến (FM).

b) Đến năm 2030:

- Phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Phát triển đồng bộ thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa;

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở; từng bước hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch góp phần xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế;

- Nâng cao đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chuyển mạnh các hoạt động văn hóa - thông tin về cơ sở.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến"; chú trọng giáo dục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, lối sống và nhân cách cho thế hệ trẻ. Tổ chức các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa nhằm khơi dậy niềm tự hào và phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho nhân dân, tạo nền tảng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, cán bộ người dân tộc thiểu số.

[...]