Quyết định 392/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 392/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/04/2017
Ngày có hiệu lực 04/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 392/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 04 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số: 1755/QĐ-TTg ngày 8 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số: 2219/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số: 11/TTr-SVHTTDL ngày 24 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số: 392/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số: 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; phải gắn liền việc quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Bắc Kạn trong quá trình giao lưu, hội nhập và phát triển với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế.

2. Yêu cầu

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại phát huy được lợi thế của tỉnh và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, bám sát Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Sở, Ban, Ngành, địa phương trong việc thực hiện Chiến lược.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu chung

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bao gồm các lĩnh vực: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; phát thanh và truyền hình; du lịch văn hóa… trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người dân thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân tại địa phương, trong nước và xuất khẩu ra khu vực và thế giới; góp phần quảng bá về thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Kạn; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa có nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

- Định hướng đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

[...]