Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2022 thực hiện Kết luận 250-KL/TU về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 65/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2022
Ngày có hiệu lực 28/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 28 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 250-KL/TU NGÀY 09/12/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XI VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Mục đích, yêu cầu

- Tiếp tục kế thừa những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được; đồng thời, triển khai thực hiện hiện quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của ngành, địa phương.

- Việc tổ chức thực hiện bảo đảm sự đồng bộ, cụ thể, thiết thực, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan tạo bước chuyển biến tích cực góp phần nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.

2. Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025

- Về xây dựng nông thôn mới: có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; có 98% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.

- Về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp:

+ Tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản bình quân 3,5%/năm.

+ Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 40% trong tổng số lao động xã hội; thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so năm 2020 (tương đương 75,2 triệu đồng/năm).

+ Thành lập mới ít nhất 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

- Về giảm nghèo:

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,0%/năm. Đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,0% (theo chuẩn nghèo tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025).

+ Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm).

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí được bố trí từ ngân sách Tỉnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hàng năm; đồng thời, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cần chủ động lồng ghép từ các chương trình, dự án, đề án, vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ hàng năm cho đơn vị, địa phương; kinh phí đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các hình thức hợp tác công tư khác theo quy định hiện hành.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN (Phụ lục)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở nội dung Kế hoạch này, đề nghị các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai phù hợp, bổ sung vào nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng năm, đảm bảo thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể:

1. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh phối hợp tham gia thực hiện các nội dung liên quan nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hàng năm để cụ thể hóa lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; là đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo, chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung về lĩnh vực nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, đúc kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm, sơ kết 3 năm và tổng kết giai đoạn.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành, thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để cụ thể hóa lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, đúc kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; là đơn vị theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ vào tháng 12 hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm, sơ kết 3 năm và tổng kết giai đoạn.

4. Giao sở, ban, ngành Tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình tổ chức thực hiện Kế hoạch và định kỳ (hàng năm, sơ kết, tổng kết) báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh, Tỉnh ủy trước ngày 01/12 hàng năm.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ (hàng năm, sơ kết, tổng kết) về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh giải quyết kịp thời./.

 

[...]