Kế hoạch 215/KH-UBND năm 2021 về duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 215/KH-UBND
Ngày ban hành 14/07/2021
Ngày có hiệu lực 14/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

DUY TRÌ VÀ NÂNG CHẤT CÁC CHỈ TIÊU, TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI CÁC XÃ ĐÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện theo kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tỉnh ngày 19/5/20211, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện duy trì các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025

Tính đến ngày 31/5/2021, toàn Tỉnh có 97/115 xã đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,34%). Đồng thời, có 14 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí, 04 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí. Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2016: Có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí NTM đến năm 2020 (tại Quyết định số 425/QĐ-UBND-HC ngày 13/5/2013).

- Giai đoạn 2017 - 2020: Có 67 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 379/QĐ-UBND-HC ngày 17/4/2017).

Nhằm duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn, tạo điểm nhấn, sắc màu mới cho các xã đã công nhận đạt chuẩn xã NTM, xây dựng nông thôn toàn diện, bền vững và đáng sống. UBND Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tiêu chí NTM do ngành phụ trách tại các xã đã đạt chuẩn, đặc biệt là các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016 để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh và thực hiện nâng chất theo hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 379/QĐ-UBND-HC ngày 17/4/2017).

Theo báo cáo của các huyện, thành phố việc duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 379/QĐ-UBND-HC ngày 17/4/2017 của UBND Tỉnh cơ bản được thực hiện tốt, qua đánh giá có 86/97 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí, 08 xã duy trì 18/19 tiêu chí, 01 xã duy trì 17/19 tiêu chí và 02 xã duy trì 16/19 tiêu chí (chi tiết xem Phụ lục I).

Tuy nhiên, việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Các tiêu chí về hạ tầng như: Giao thông, Thủy lợi, Trường học, Điện, Chợ nông thôn… nếu không duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, theo thời gian, quá trình sử dụng sẽ làm hao mòn, hư hỏng trong khi nguồn lực các xã, huyện để duy tu, sửa chữa còn hạn chế. Còn đối với những tiêu chí còn lại như: Thu nhập, Hộ nghèo, Văn hóa, Quốc phòng và an ninh, Môi trường, Hệ thống chính trị... luôn thay đổi và phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân.

2. Nguyên nhân các chỉ tiêu, tiêu chí không giữ vững

2.1. Đối với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng

- Việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn (như cầu đường, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ,…) cần nhu cầu vốn tương đối lớn trong khi ngân sách của huyện, xã còn hạn chế, huy động nhân dân đóng góp gặp nhiều khó khăn.

- Một số bộ phận người dân ít quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng dân cư nên còn một số người chưa đồng thuận chủ trương hiến đất làm đường, trông chờ Nhà nước đòi bồi thường, hỗ trợ...

- Một số xã chất lượng các tiêu chí đạt thấp, chỉ đạt ngưỡng yêu cầu, một số ngành, địa phương chưa quan tâm duy trì và nâng chất chất lượng các tiêu chí.

2.2. Đối với các tiêu chí khác

a) Nguyên nhân khách quan

- Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều tiêu chí được bổ sung nội dung, điều chỉnh mức độ đạt cao hơn, đòi hỏi các địa phương phải có sự tập trung chỉ đạo thực hiện với sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng, cụ thể như: tiêu chí về Hộ nghèo áp dụng đánh giá tỷ lệ hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, tỷ lệ đạt từ mức ≤ 7% giảm xuống còn ≤ 4% (thực tế, sau khi chuyển từ phương thức đánh giá hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh từ 3,68% năm 2015 tăng lên 9,98% năm 2016); tiêu chí về Thu nhập mỗi năm tăng bình quân khoảng 4 triệu đồng/năm; tiêu chí về Tổ chức sản xuất yêu cầu phải có Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các xã được công nhận từ năm 2016 về trước chỉ cần có Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả thì đã đạt yêu cầu tiêu chí; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là chỉ tiêu mới liên quan đến 03 ngành gồm y tế, nông nghiệp, công thương dẫn đến các xã mất nhiều thời gian trong khâu xác định, cập nhật số liệu và hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ minh chứng cũng như duy trì tiêu chí.

- Tình hình trật tự, tệ nạn, an toàn xã hội và tai nạn giao thông được kiềm chế nhưng chưa thật sự bền vững. Tiềm ẩn nguy cơ không đạt nếu trên địa bàn xảy ra trọng án…. Ngoài ra, tiêu chí về An ninh trật tự quy định mang tính tuyệt đối, cụ thể khi xảy ra trọng án trên địa bàn, xã sẽ không được công nhận đạt chuẩn NTM, không phân biệt đối tượng gây án, mâu thuẫn phát sinh vụ án xuất phát từ nơi khác, điều kiện này gây khó khăn trong việc duy trì.

- Chính sách hỗ trợ lao động trẻ có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã chỉ thực hiện không quá 03 năm đối với 01 lao động, đã gây khó khăn cho các hợp tác xã tìm lao động có trình độ và nhiệt huyết.

- Các xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đa số thuần nông, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển chậm, nên thu nhập của người dân chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó giá vật tư, nông sản luôn biến động, thiên tai - dịch bệnh thường xuyên đe dọa, thị trường tiêu thụ không ổn định nên ảnh hưởng nhiều đến mức thu nhập.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Sau khi được công nhận đạt chuẩn một số địa phương có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được, thiếu sự tập trung, không tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng chất mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.

- Hợp tác xã chậm được củng cố và nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường, chưa mở rộng nhiều dịch vụ chủ yếu tập trung liên kết tiêu thụ nông sản. Một số hợp tác xã, nông dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức, định hướng sản xuất lâu dài. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao, chưa mang tính chất lan tỏa ở quy mô lớn.

- Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản được giữ vững và duy trì nhưng vẫn còn trường hợp, hợp đồng liên kết bị phá vỡ do doanh nghiệp hoặc do người dân. Các hợp tác xã hoạt động còn đơn điệu, chưa phát huy hết vai trò đại diện cho các thành viên trong việc tham gia ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm; phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi cao nên việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế.

- Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã chưa được triển khai thực hiện đồng bộ.

- Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) là chỉ tiêu nằm trong nhóm chỉ tiêu thiếu bền vững và rất dễ thay đổi vì số thẻ BHYT thay đổi liên tục qua từng tháng, từng quí trong khi chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cập nhật số liệu và hồ sơ minh chứng cho chỉ tiêu này cần thực hiện liên tục. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa thấy hết được lợi ích và ý nghĩa của thẻ BHYT, vẫn còn chủ quan với sức khỏe nên không tham gia bảo hiểm y tế. Những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình vẫn còn tâm lý ngán ngại tham gia bảo hiểm y tế.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ