Quyết định 888/QĐ-UBND-HC năm 2022 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 888/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 09/08/2022
Ngày có hiệu lực 09/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 888/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 09 tháng 08 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2617/TTr-SNN ngày 22/7/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án chi tiết kèm theo) với các nội dung chủ yếu như sau:

A. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

I. Quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn

1. Tiếp tục phát huy ưu thế của Tỉnh về sản xuất nông nghiệp làm động lực phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả và bền vững. Lấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của Tỉnh.

2. Đổi mới mạnh mẽ tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên số lượng sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và bảo vệ môi trường. Nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua tích hợp các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hàng hóa.

3. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, phát triển bền vững, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển nông nghiệp hàng hoá, tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, sen) và các ngành hàng có tiềm năng tại các địa phương (vịt, nhãn, quýt hồng, heo, bò,...). Hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại, hướng về xuất khẩu. Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

4. Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện cụ thể từng ngành hàng gắn với nhu cầu và đáp ứng những tiêu chí, tiêu chuẩn của thị trường để bảo đảm kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

5. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KHCN), trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, nâng cao năng lực thống kê, dự báo thông tin thị trường, công khai về sản phẩm, dịch vụ KHCN và chính sách phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

6. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNN) và bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, theo hướng đào tạo nông dân chuyên nghiệp. Đào tạo nghề phụ cho nông dân, tăng cơ hội việc làm và thu nhập, góp phần chuyển dịch lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Chủ động và kiên quyết tổ chức quá trình chuyển đổi lao động ra khỏi nông nghiệp thông qua các kênh thị trường đa dạng từ Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đến tạo việc làm mới trong và ngoài Tỉnh.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

TCCNN tỉnh Đồng Tháp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh. Phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng KHCN; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Duy trì tăng trưởng GRDP nông, lâm, thuỷ sản bình quân 3,5%/năm.

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh còn dưới 3%.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống còn dưới 40% trong tổng số lao động xã hội. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, tăng tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 20%.

- Thành lập mới ít nhất 35 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Nâng cao năng lực cho HTX nông nghiệp, 100% cán bộ HTX nông nghiệp được đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch, quản trị, tiếp cận thị trường; phát huy mô hình hội quán.

- Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phấn đấu 80% thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4. 50% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã) được số hóa. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và bộ, ngành trung ương. Trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến; 100% sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

[...]