Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 231/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2022
Ngày có hiệu lực 08/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 08 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025;

UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ và hiệu quả; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và sự đồng thuận trong xã hội; phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của người dân để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành, đơn vị.

- Huy động tối đa các nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội và ngân sách các cấp để xây dựng nông thôn mới.

- Kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 phải có lộ trình hợp lý, bước đi vững chắc, đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh và khả năng đóng góp của nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu, cụ thể đến năm 2025

- Cấp huyện: Phấn đấu cả tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện (huyện Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn) đạt chuẩn nông thôn mới.

- Cấp xã: Phấn đấu cả tỉnh ít nhất đạt trên 63% tổng số xã (61/96 xã) đạt chuẩn nông thôn mới (đến năm 2025 cả tỉnh tăng thêm 46 xã), trong đó có trên 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đến năm 2025 cả tỉnh tăng thêm 15 xã), 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí đạt trên 15 tiêu chí/xã; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

- Về xây dựng thôn: Phấn đấu cả tỉnh có trên 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 244 thôn/406 thôn/35 xã (đến năm 2025 cả tỉnh tăng thêm 238 thôn).

III. NỘI DUNG

1. Đối với cấp huyện phấn đấu chuẩn nông thôn mới

- Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng huyện nông thôn mới theo quy định; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

- Xây dựng Đề án xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn đảm bảo chi tiết, cụ thể về lộ trình, tiến độ thực hiện các tiêu chí, tập trung nguồn lực, giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách thực hiện các tiêu chí.

[...]