Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 27/09/2022
Ngày có hiệu lực 27/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và triển khai có hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ; làm cho công tác ngoại giao văn hóa ngày càng gắn kết với hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Vĩnh Phúc, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

- Nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của ngoại giao văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

2. Yêu cầu

- Ngoại giao văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, trong đó ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại, góp phn tăng cường tình đoàn kết, củng cố tình hữu nghị, hợp tác với bạn bè quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

- Các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.

- Lồng ghép việc thực hiện ngoại giao văn hóa thông qua việc tổ chức, đăng cai tổ chức các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh; gắn hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, quảng bá xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại góp phần tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế, đưa hình ảnh tỉnh Vĩnh Phúc ra khu vực và thế giới.

- Huy động được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, bao gồm các kiều bào Vĩnh Phúc ở nước ngoài; phát huy được tính chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành liên quan nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai đồng bộ, linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.

- Chủ động triển khai, cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển Ngoại giao văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; công tác ngoại giao văn hóa của tỉnh phải luôn thực hiện theo đúng quan điểm, phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ngoại giao văn hóa

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về ngoại giao văn hóa và những nét văn hóa đặc trưng của tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề quán triệt nội dung về công tác ngoại giao văn hóa. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, huyện, thành phố về thực hiện công tác ngoại giao văn hóa. Điều chỉnh, bổ sung chính sách ngoại giao văn hóa phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của tỉnh, gắn công tác ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh nghiên cứu nhằm đánh giá về xu thế, vai trò, biện pháp ngoại giao văn hóa trong chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách về ngoại giao văn hóa phù hợp với tỉnh.

- Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của người dân và cộng đồng.

- Chuẩn hóa về nghi lễ khách tiết, trang phục, quà tặng đối ngoại nhằm quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho phát triển ngoại giao văn hóa

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về ngoại giao văn hóa một cách toàn diện, đồng bộ trên cơ sở phù hợp với pháp luật của Nhà nước và đường lối đối ngoại của Đảng; thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, tăng cường ký kết, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... nhằm thu hút nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tăng cường xây dựng, gắn kết chặt chẽ Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, tiềm năng và thế mạnh về hợp tác, đầu tư, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương, các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Tạo nhận thức chung và đồng thuận trong lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa; nhằm đưa công tác này trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và là trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh.

- Tích cực tham mưu đổi mới trong việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với văn hóa của từng địa bàn, đối tượng.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc sản của địa phương.

[...]