Quyết định 2013/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2013/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/11/2021
Ngày có hiệu lực 30/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với các nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước đã được các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội XIII của Đảng đề ra, cụ thể là: “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” và “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

2. Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa phải phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và của các tầng lớp nhân dân, bao gồm đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

3. Gắn kết Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục..., Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các văn bản được thông qua phù hợp với định hướng, chủ trương đường lối đối ngoại, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước.

4. Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam.

II. PHƯƠNG CHÂM

1. Chính phủ đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo.

2. Triển khai ngoại giao văn hóa là nhằm thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời tôn vinh, nâng tầm văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

3. Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, theo đó địa phương, người dân, doanh nghiệp vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác, tham gia vào việc triển khai Chiến lược.

4. Công tác ngoại giao văn hóa là quá trình thường xuyên, liên tục; tiếp tục sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt trong triển khai, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu của công tác ngoại giao văn hóa là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững mội trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

2. Các mục tiêu cụ thể

- Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn, các hoạt động trong khuôn khổ Tuần/Ngày Việt Nam, Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam tại các nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

- Hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; tích cực vai trò thành viên trong việc định hình và phát huy bản sắc của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng thụ hưởng.

- Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương. Đặt mục tiêu tới năm 2030, tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng “Góc Việt Nam” hoặc “Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh”; các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam có các sự kiện ngoại giao văn hóa lớn thường niên.

- Vận động mới, bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch...; vận động đưa người Việt Nam tham gia đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế về văn hóa. Đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có trên 60 di sản, danh hiệu được quốc tế công nhận; có trên 10 danh nhân người Việt Nam được quốc tế vinh danh; đưa thêm nhiều người Việt Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí lãnh đạo tại các diễn đàn văn hóa, khoa học, giáo dục... của khu vực và thế giới.

- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ