Kế hoạch 1843/KH-UBND năm 2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 1843/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2011
Ngày có hiệu lực 21/10/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KONTUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1843/KH-UBND

KonTum, ngày 21 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM TUỔI TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh Kon Tum số 09-NQ/ĐH ngày 06 tháng 10 năm 2010;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2015, như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON TOÀN TỈNH

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Thuận lợi:

- Có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN): Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2; Quyết định 239/ QĐ-TTg ngày 09-02-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015; Quyết định 161/2002/QĐ-TTg ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển GDMN; Quyết định 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015.

- Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện phát triển GDMN trên địa bàn. Đến nay, GDMN Kon Tum đã có những kết quả nhất định về mạng lưới trường, lớp; đội ngũ cán bộ, giáo viên; chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

2. Khó khăn:

- Đời sống của phần lớn đồng bào DTTS cư trú ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều thiếu thốn; trình độ dân trí thấp, kiến thức về chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế; giao thông đi lại khó khăn; khí hậu khắc nghiệt.

- Trường mầm non có nhiều điểm lẻ gắn với thôn làng; đa số các điểm lẻ ở vùng sâu vùng xa, cơ sở vật chất nghèo nàn, tạm bợ; công tác quản lý giáo dục các điểm lẻ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các lớp ở điểm lẻ vùng DTTS là lớp ghép nhiều độ tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT), thực hiện Chương trình GDMN mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT- BGDĐT ngày 25-7-2009.

- Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hiện nay còn thiếu so với quy định, đặc biệt ở các trường, lớp vùng sâu, vùng xa.

- Chất lượng của một bộ phận giáo viên mầm non chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới về chương trình, phương pháp giáo dục mầm non hiện nay.

- Đặc thù của GDMN là 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều là nữ, đây cũng là một khó khăn trong việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn khó khăn nhiều mặt, trong đó kể đến khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt cho CBQL, GV nữ.

II. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON TOÀN TỈNH

1. Về quy mô trường, lớp

- Toàn tỉnh có 106 trường mầm non và mẫu giáo, trong đó có 98 trường mầm non, mẫu giáo công lập và 8 trường mầm non tư thục, dân lập; có 100% xã/phường có trường/lớp mầm non. Tuy nhiên, vẫn còn 9 xã chưa có trường mầm non riêng biệt (TP Kon Tum: xã Hoà Bình, xã Đăk Năng; huyện Kon Plông: xã Đăk Ring, Đăk Nên, Đăk Tăng, Ngọc Tem, Măng Bút 1, Măng Bút 2; huyện Đăk Glei: xã Đăk Man);

- Tổng số điểm trường là 670, trong đó 106 điểm trường chính, 564 điểm trường lẻ; bình quân mỗi trường mần non có 06 điểm trường, cá biệt có trường có đến 13 điểm trường (như trường MN ĐăkH’Ring- huyện Đăk Hà).

- Tổng số nhóm, lớp: 1.215, trong đó số lớp mẫu giáo 5 tuổi: 814 lớp (trong đó riêng 5 tuổi: 195 lớp; ghép 5 tuổi với 3,4 tuổi: 619 lớp).

- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp hiện nay (theo số liệu báo cáo đầu năm học 2010 - 2011): Trẻ nhà trẻ 12,1% (2.911/23.968); mẫu giáo 77,7% (24.284/31.261); riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,4% (10.315/10.382).

2. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

2.1 Công tác chăm sóc:

- Những trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn được thuận lợi hơn trong việc tổ chức bán trú nhờ một phần vận dụng từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cháu hộ gia đình nghèo từ Quyết định 112 của Chính phủ. Ở những nơi không có điều kiện tổ chức nấu ăn tại trường, vận động phụ huynh mang cơm đến, trẻ ở lại trường buổi trưa. Số trẻ còn lại học 2 buổi/ngày nhưng ăn trưa tại gia đình. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày là 87,5 %.

- Có 72 trường, 439 nhóm, lớp; 10.518 cháu được tổ chức ăn ngủ tại trường, nhóm lớp, đạt tỷ lệ 38,7% trên tổng số trẻ ra lớp. Riêng trẻ 5 tuổi có 4.215 cháu được tổ chức ăn ngủ tại trường. Ngoài ra tổ chức được 22 trường, 109 lớp, 2.441 cháu được phụ huynh mang cơm đến ăn trưa tại trường, đạt tỷ lệ 9% trên tổng số trẻ ra lớp.

-Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nhà trẻ: 13,8%, mẫu giáo: 13,5%; trong đó riêng trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng 11,8% so với tổng số trẻ 5 tuổi ra lớp.

[...]