Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 164/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2023
Ngày có hiệu lực 02/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 02 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết số 93/NQ-CP), UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 93/NQ-CP, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

b) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP.

2. Yêu cầu

a) Nội dung triển khai Kế hoạch phải bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách lớn về hội nhập kinh tế quốc tế, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế của UBND tỉnh.

b) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thực chất; phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, các cam kết thương mại mà Việt Nam tham gia và các quy định của pháp luật hiện hành.

b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, chính sách của tỉnh để thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới theo lộ trình; tham mưu phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá FTA (FTA Index).

- Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức triển khai các nội dung về xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành lập và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

d) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý tài chính công, các thỏa thuận hợp tác tài chính với các đối tác quốc tế, đảm bảo an toàn tài chính trong điều kiện thực hiện đầy đủ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

đ) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kịp thời chính sách tiền tệ, đẩy mạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán.

e) Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch tại khu vực cửa khẩu phù hợp với định hướng phát triển; nghiên cứu cơ chế, quy định để triển khai các nội dung mới trong phát triển kinh tế cửa khẩu, triển khai mô hình “Cửa khẩu thông minh” tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh theo Thỏa thuận khung đã ký kết giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và các nội dung, mô hình liên quan đến hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế,…; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Triển khai các quy định thực hiện mô hình kinh doanh mới, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan chủ trì và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả.

- Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, cửa khẩu, logistics phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa; tăng cường vận động xã hội hóa đầu tư, xúc tiến thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là đầu tư mở rộng bến bãi khu vực các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn ngày càng tăng.

c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

[...]