ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 112/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 19 tháng 5 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TIẾP TỤC TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NHANH KINH
TẾ CỬA KHẨU, TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-
2025
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ
XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Chương trình hành động số
04-CTr/TU ngày 06/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện Chương trình tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động
lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với các nội dung
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa và triển khai thực
hiện có hiệu quả Chương trình số 01 thuộc Chương trình hành động số 04-CTr/TU
ngày 06/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tập trung phát triển
nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai
đoạn 2021- 2025.
- Tiếp tục khai thác hiệu quả hệ
thống hạ tầng đã đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh
cải cách hành chính nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh,
tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
2. Yêu cầu
- Xác định cụ thể các nội dung công
việc, thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có
liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 01 thuộc Chương
trình hành động số 04-CTr/TU bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
- Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp thực hiện phải đảm bảo tính khả thi, gắn với chức năng, nhiệm vụ và phát
huy sự chủ động của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai
thực hiện.
- Việc triển khai thực hiện các
nhiệm vụ phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, gắn với việc thực hiện
các nhiệm vụ hằng năm của các cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự phối hợp thường
xuyên, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển nhanh, bền vững kinh
tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-
2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng
bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng
hóa thuận lợi; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; chủ động, tăng cường công tác đối
ngoại; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”; phấn đấu
xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất
nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng
Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước
ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.
2.
Một số mục tiêu cụ thể
- Thực
hiện việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp yêu cầu phát triển, hoàn
thành việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -
Lạng Sơn; rà soát, điều chỉnh ít nhất 07 quy hoạch các khu vực cửa khẩu,
các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu.
-
Hoàn thành và đưa vào sử dụng ít nhất 10 công trình trọng điểm phục vụ
hoạt động quản lý của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực thông quan
hàng hóa xuất nhập khẩu; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu trung chuyển
hàng hóa (giai đoạn 1), Khu chế xuất 1 và các khu chức năng khác của Khu kinh
tế cưa khâu.
- Đến
năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 6.650 triệu USD,
trong đó xuất khẩu 3.890 triệu USD, nhập khẩu 2.760 triệu USD; kim ngạch xuất
khẩu hàng địa phương tăng bình quân từ 8 - 9%/năm.
- Thu
hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các
dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu và các khu cửa khẩu khác.
-
Hoàn thành trình tự thủ tục theo quy định để báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định
nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc) thành cửa
khẩu song phương.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch
-
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thông qua việc lựa chọn
các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong việc lập, điều chỉnh các quy
hoạch; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng chủ yếu, các khu vực cửa
khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng phát triển và phù hợp với các
quy hoạch khác của tỉnh cũng như quy hoạch của địa phương đối diện phía Trung
Quốc; tăng cường công tác quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt, chú trọng thực
hiện việc lập hồ sơ cắm mốc giới theo các đồ án quy hoạch để đảm bảo việc quản
lý được hiệu quả, khai thác tối đa lợi thế của các cửa khẩu.
- Thực
hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu
Đồng Đăng - Lạng Sơn; chú ý việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang đầu
tư trong Khu công nghiệp Hồng Phong theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn
bản số 90/TTg-CN ngày 22/01/2021; việc điều chỉnh phải bảo đảm phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế chung của cả nước,
của tỉnh Lạng Sơn và phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương phía đối diện
của Quảng Tây - Trung Quốc; đồng thời gắn với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ
về lựa chọn Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong 08 khu kinh
tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước
giai đoạn 2021-2025 tại Công văn số 1804/TTg-CN ngày 18/12/2020.
-
Trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, định hướng đến
năm 2050 kịp thời cập nhật, tích hợp các nội dung liên quan đến điều chỉnh Quy
hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến
năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 08/7/2010 của Thủ tướng
Chính phủ.
2. Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa
khẩu và sớm hình thành các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu
-
Giai đoạn 2021-2025 ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để
đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công
trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa
khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư nhằm tránh thất
thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.
- Tập
trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên
thông giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên
quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức
năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa; xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp
điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng
hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và kết nối cửa khẩu Hữu Nghị, Tân
Thanh và giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng
Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B, 31.
- Đề
nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lập quy hoạch, nâng cấp tuyến đường sắt tốc
độ cao Hà Nội - Lạng Sơn, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng Ga đường sắt Đồng
Đăng, bãi hóa trường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa; bổ
sung tuyến cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên vào quy hoạch phát triển mạng lưới giao
thông đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện đầu
tư trong giai đoạn đến năm 2030.
- Khu
trung chuyển hàng hóa (143,7ha): tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ
các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác
bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án theo đúng tiến độ được giao,
phấn đấu đến hết quý III/2022 thi công xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt
động giai đoạn 1 của dự án (khoảng 58 ha); song song với việc thực hiện giai đoạn 1, tiếp tục hoàn thành công
tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án (khoảng 85,7 ha)
và tổ chức thi công các hạng mục quan trọng để tạo tiền đề đến năm 2025 hoàn
thành đưa vào hoạt động toàn bộ dự án.
- Khu
chế xuất I (khoảng 126,38 ha): tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ
các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác
bồi thường, giải phóng mặt bằng để phấn đấu thực hiện dự án theo đúng tiến độ
được giao, hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2022.
- Khu
phi thuế quan (giai đoạn I): hoàn thành đấu giá quyền sử dụng các khu đất đã tạo
được mặt bằng sẵn để thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn
kinh phí tiếp tục thực hiện việc giải phóng, tạo mặt bằng sạch tại các khu vực
khác để thu hút đầu tư; hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật
và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan và thu hút các nhà đầu tư đến sản
xuất, kinh doanh.
- Phối
hợp Bộ Công Thương sớm hoàn thành Đề án tổng thể về xây dựng Khu hợp tác kinh tế
biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng
Đăng - Bằng Tường trình Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, xây dựng hình thành
các Khu thương mại - công nghiệp thuộc các khu vực cửa khẩu: Cốc Nam, Chi Ma,
Bình Nghi.
- Thực
hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo yêu cầu tại Quyết định 259/QĐ-TTg ngày
25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn
cũng như định hướng, chỉ đạo của tỉnh liên quan đến phát triển thương mại biên
giới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; tập trung xây dựng
và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: chợ biên giới,
siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm logistics, kho
hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm,... theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp
với điều kiện phát triển từng khu vực biên giới.
3. Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch và
dịch vụ
-
Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ thông qua việc đẩy
mạnh phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế, kết hợp
du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch nông
thôn,… với du lịch qua biên giới, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển
thương mại, du lịch cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tập trung
phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
trên cơ sở đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp
hóa và khuyến khích các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia phát
triển du lịch.
-
Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ xuyên biên giới như: ngân hàng,
thanh toán quốc tế, bảo hiểm, tạo điều kiện để các tổ chức trong nước, ngoài nước
thành lập chi nhánh, phòng giao dịch; phát triển các dịch vụ bưu chính quốc tế
tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị theo quy định của Liên minh Bưu chính quốc tế
(UPU); phát triển viễn thông theo hướng hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc
thông suốt, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
-
Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ
logistics, khai báo hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng
chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các
doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; đồng thời, khuyến
khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
4. Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại
- Thực
hiện hiệu quả, toàn diện đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân
dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để vừa tạo thuận lợi
cho phát triển kinh tế cửa khẩu vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh; duy trì Chương
trình Gặp gỡ đầu Xuân, Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp và thực hiện hiệu quả
cơ chế trao đổi, hội đàm đã ký kết giữa hai bên để phối hợp thực hiện công tác
quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, đấu nối đường bộ qua biên giới, nâng cấp cửa
khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; thực hiện có hiệu quả “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới” giữa Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) đã ký kết với Cục Tài nguyên
nhân lực và An sinh xã hội thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc); tăng cường
hội đàm, trao đổi, đàm phán để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về chính sách
xuất nhập khẩu hàng hoá, khai thác, tìm kiến thị trường xuất khẩu hàng hoá.
-
Nghiên cứu, hợp tác với phía Trung Quốc triển khai thực hiện mô hình “Cửa khẩu
kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung
Quốc), phấn đấu đến năm 2025 xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa
khẩu kiểu mẫu” đảm bảo 05 tiêu chí gồm: kiểu mẫu về cơ sở vật chất, kiểu mẫu về
trang bị, phương tiện kỹ thuật, kiểu mẫu về con người (cán bộ, nhân viên công
tác tại cửa khẩu), kiểu mẫu về thủ tục thông quan và kiểu mẫu về phối hợp hoạt
động hai bên.
-
Trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc sớm đưa tuyến đường chuyên dụng vận tải
hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) khu vực mốc 1088/2-1089 hoạt
động chính thức và trở thành lối thông quan hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế
Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), đồng thời nghiên cứu triển
khai việc vận hành “luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua tuyến đường
này; hoàn thiện trình tự thủ tục theo quy định để báo cáo đề xuất Chính phủ quyết
định nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc)
thành cửa khẩu song phương; sớm thống nhất thời gian làm việc tại cặp cửa khẩu
song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) và phối hợp triển khai có
hiệu quả Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cặp cửa khẩu này.
5. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển
kinh tế cửa khẩu
- Tập
trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có của trung ương và của tỉnh;
rà soát các chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp
với tình hình và điều kiện của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, cải
thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ giải quyết khó khăn
cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu, biên giới về
các vấn đề về chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy phát triển doanh
nghiệp, tập trung vào các hoạt động sản xuất, gia công chế biến,....
-
Nghiên cứu chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để quy hoạch, tạo quỹ
đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu.
-
Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu từ
nhiều năm nay, tập trung nghiên cứu chính sách phát triển và khai thác, quản lý
hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh; đề xuất cơ chế, chính
sách ưu đãi phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới, ưu đãi về
thu hút nguồn vốn đầu tư, xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên
giới; ưu đãi đối với các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh các loại
hình hạ tầng thương mại biên giới, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.
- Triển
khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn
đến năm 2025; đẩy mạnh việc kết nối các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để
huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế cửa khẩu và nghiên
cứu chính sách hỗ trợ thực hiện nội dung này.
- Xây
dựng, phát triển mối quan hệ, liên kết giữa các thương nhân trong nước, trong tỉnh
với các thương nhân phía Trung Quốc để thu hút ngày càng nhiều các mặt hàng xuất
nhập khẩu có giá trị qua địa bàn tỉnh.
6. Tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông
quan xuất nhập khẩu hàng hóa
- Đẩy
mạnh cải
cách
thủ tục hành chính, tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng
cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đảm bảo công khai, minh bạch,
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện
thủ tục hành chính trên các lĩnh vực như: đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập
khẩu,...
- Đổi
mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phương thức huy động vốn; đẩy mạnh xã
hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án theo hình thức đối
tác công tư (PPP); tăng cường tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài
và đổi mới hình thức vận động tài trợ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA),
thúc đẩy giải ngân vốn ODA, thu hút, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào Khu kinh tế cửa khẩu; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút
các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất
hàng hóa xuất khẩu.
- Tạo
môi trường thuận lợi, thông thoáng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa
bàn nhằm phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu; phát triển đồng bộ dịch vụ
logistics để rút ngắn thời gian kiểm hoá, kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng
hoá qua biên giới nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa; giữ vững và tăng
thị phần đối với các sản phẩm, thị trường xuất khẩu truyền thống, tích cực phát
triển các sản phẩm, thị trường xuất khẩu mới; chú trọng giữ ổn định và tăng giá
trị một số mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như: hoa hồi, nhựa thông, thạch đen, ván
ép, ván bóc,...
-
Tăng cường kết hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và
xúc tiến du lịch nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, thu hút du khách, phát triển
thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thu hút các mặt hàng có
giá trị cao xuất nhập khẩu qua địa bàn như: thủy hải sản, khoáng sản, hạt điều,
hạt tiêu, đỗ gỗ mỹ nghệ, sữa tươi,...; phối hợp các cơ quan trung ương trong việc
mở rộng danh mục mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường
Trung Quốc, trong đó ưu tiên mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
- Duy
trì thường xuyên hoạt động đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành
với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá; động viên,
khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động đầu
tư, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.
7. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng
nhu cầu phát triển kinh tế cửa khẩu
-
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực thực thi
công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ
nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các
chương trình hợp tác quốc tế để cử các cán bộ, công chức, viên chức có trình độ
chuyên môn nghiệp vụ cao tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào
tạo, nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài.
-
Tuyên truyền, phổ biến luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu
hàng hóa, nhất là các quy định về xuất xứ hàng hoá, phương thức thanh toán, ký
kết hợp đồng, những kinh nghiệm, kỹ thuật bảo quản, đóng gói bao bì và nhãn mác
hàng hóa theo đúng quy chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm,... cho đội ngũ
thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa; nâng cao kiến
thức và kỹ năng thực hành các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn nhằm đem lại hiệu
quả kinh doanh tối ưu khi tham gia hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, xuất
nhập khẩu hàng hóa.
-
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng
yêu cầu phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực
thương mại, du lịch, dịch vụ; có chính sách phù hợp để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng
và sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao làm việc tại Khu
kinh tế cửa khẩu và các khu vực biên giới.
-
Khuyến khích chủ đầu tư thực hiện các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhất
là các dự án sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ sử dụng nhiều lao động thực
hiện việc ưu tiên tuyển dụng và đào tạo tay nghề cho lao động tại địa phương để
tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; cử lao động trẻ đi đào tạo dài
hạn để có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh
trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới
-
Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế cửa khẩu
và vai trò tham mưu, đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước trong khu kinh tế
cửa khẩu; rà soát điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ
chức, phạm vi không gian quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng
- Lạng Sơn theo quy định và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh;
nghiên cứu ban hành quy chế Quản lý cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và thực hiện hiệu
quả quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
- Tiếp
tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án tại
các khu vực cửa khẩu, nhất là các dự án kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, kho ngoại
quan, địa điểm tập kết hàng hóa,... nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của
các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
- Thực
hiện tốt công tác quản lý thị trường, nắm vững quan hệ cung cầu, giá cả hàng
hóa và các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tạo môi
trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi trong hoạt động của
các tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ, triển khai có hiệu quả công tác chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
-
Tăng cường xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ
quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển
kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu
tranh, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại khu vực biên giới; ngăn chặn
hiệu quả các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, tội phạm xuyên
biên giới, kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ lao động qua biên giới; phòng chống các
hành vi tiêu cực tại các khu vực cửa khẩu. Đẩy mạnh chuyển
đổi số, ứng dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát xuất nhập
cảnh, xuất nhập khẩu hàng hoá và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch qua biên
giới (cả trên người, động vật và thực vật).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn làm cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; nghiên cứu,
đề xuất xây dựng các chính sách mới để phát triển kinh tế cửa khẩu; xây dựng
chương trình và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu,
khu công nghiệp; định kỳ 6 tháng, hằng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả
thực hiện Kế hoạch.
2.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan tham mưu phân bổ các nguồn vốn đầu tư công và huy động
các nguồn lực xã hội để đầu tư thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch;
chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu việc đầu tư kết cấu hạ tầng
trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong giai đoạn 2021-2025 theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1804/TTg-CN ngày 18/12/2020.
3.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư cân đối bố trí vốn ngân sách tỉnh để triển khai các dự án; tham
mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện các đề án, dự án, chính
sách có liên quan đến phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý
về giá, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với các dự án kinh doanh bến bãi
để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước; cân đối bố trí vốn ngân sách tỉnh đảm
bảo để thực hiện các đồ án quy hoạch do UBND tỉnh tổ chức lập.
4.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản
lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các cơ quan liên quan triển khai
các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, điều chỉnh và quản lý
quy hoạch trong Khu kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu.
5.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan tham mưu xây dựng các chính sách phát triển thương mại biên
giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương
mại để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong phát triển thị trường;
tham mưu phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ.
6.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện
thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư du lịch và khách nước ngoài đến Việt Nam
qua khu vực cửa khẩu của tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác
bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với lĩnh vực du lịch
trong tình hình mới; triển khai thực hiện Kế hoạch gắn với thực hiện Đề án phát
triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số
825/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh, với mục tiêu trọng tâm hoàn thành
Chương trình số 03 thuộc Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 06/11/2020 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đó là “Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu
đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn”.
7.
Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ về công tác đối ngoại, mở rộng
quan hệ hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc), các địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc,
các tổ chức quốc tế,… để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế cửa
khẩu; tạo thuận lợi nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu.
8.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất giải pháp tăng hiệu quả
hợp tác lao động qua biên giới; nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban
hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng, đào tạo
cho lao động địa phương nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tay nghề cho
người lao động.
9.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận
lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh người và phương tiện; đảm bảo an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới để góp phần xây dựng khu vực biên giới
hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển.
10.
Cục Hải quan tỉnh tiếp tục hiện đại hóa
trang thiết bị làm việc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt
động xuất nhập khẩu hàng hoá; tập trung nghiên cứu, thực hiện các hình thức rút
ngắn thời gian kiểm hoá, tạo điều kiện thông thoáng nhất nhằm nâng cao năng lực
thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; chủ trì thực hiện tốt công tác chống buôn lậu,
gian lận thương mại trong khu vực cửa khẩu.
11.
Các cơ quan kiểm dịch đẩy mạnh cải cách thủ
tục hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát và thực
hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch qua biên giới.
12.
Công an tỉnh đẩy mạnh công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp
tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; phối
hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết phương tiện trong dịp cao
điểm xuất nhập khẩu hàng hoá; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn,
tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong cấp sổ thông hành xuất nhập cảnh;
triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự các dự án đầu tư, xây dựng Khu
kinh tế cửa khẩu, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
13.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất triển khai các giải pháp nhằm
thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn
mới, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư, kinh
doanh xuất nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn tỉnh.
14.
Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện
nhiệm vụ tại các Phụ lục kèm theo Kế hoạch này chủ động xây dựng kế hoạch để
triển khai thực hiện; đối với UBND thành phố Lạng Sơn và UBND các huyện biên giới
việc xây dựng Kế hoạch cần chú trọng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng,
hỗ trợ, tái định cư, quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng trên
địa bàn.
(Có
biểu nhiệm vụ thực hiện kèm theo tại Phụ lục 1, 2, 3, 4).
Yêu cầu
các sở, ban, ngành, UBND các huyện biên giới và thành phố Lạng Sơn, các cơ
quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ 6
tháng, hằng năm (chậm nhất vào ngày 15/6 và 15/12) các cơ quan, đơn vị báo cáo
kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất xử lý các phát sinh, vướng mắc phát sinh
trong quá trình thực hiện Kế hoạch này gửi Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng
Đăng- Lạng Sơn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung./.
Nơi nhận:
- Bộ Công
Thương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVPUBND tỉnh, các phòng
CM,
các trung tâm: PV HCC,
TH-CB;
- Lưu: VT, KT(LC).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|