Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2023
Ngày có hiệu lực 09/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Sỹ Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 23-CTR/TU NGÀY 03/02/2023 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30-NQ/TW NGÀY 23/11/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 03/02/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động 23-CTr/TU), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 03/02/2023 của Thành ủy Hà Nội; phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng và phát triển Vùng hiện đại, văn minh, sinh thái; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh, xanh, bền vững.

2. Yêu cầu bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động 23-CTr/TU, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện trong ngành, lĩnh vực và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW.

3. Yêu cầu cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn với trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần đồng hành cùng các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Xác định nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển Vùng, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố với của Vùng và nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia. Có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

- Đến năm 2030: Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

- Đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

- Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và 2030: Gồm 20 chỉ tiêu (10 chỉ tiêu phát triển kinh tế; 05 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội; 05 chỉ tiêu phát triển đô thị) kèm phân công thực hiện như Phụ lục số 01 đính kèm.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết

Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã:

- Triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Vùng đồng bằng sông Hồng đối với cả nước.

- Đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ xây dựng và phát triển Vùng, nhất là liên kết vùng, phân bổ nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, và các vấn đề của đất nước.

- Tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết số 30-NQ/TW với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, kết hợp với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của Thành phố gắn với từng giai đoạn, tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như những yếu tố tiềm năng, lợi thế, vị thế của Vùng để tiếp tục tạo đã phát triển bứt phá trong những năm tới.

2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng

(1) Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan:

- Tham mưu UBND Thành phố các nội dung liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết vùng, tính đồng bộ, hài hòa, đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô.

(2) Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan:

Đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nguyên tắc chỉ đưa vào vấn đề đặc thù vượt trội hoặc chưa có trong các luật khác, đảm bảo nguyên tắc ko trái Hiến pháp và tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với nguồn thu được phân cấp; thí điểm một số các chủ trương đã đề ra tại các Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, cụ thể là Thành phố được “...Nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư- sử dụng công”, “... Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có qui mô lớn có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trao quyền cho Thủ đô xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn, định mức thiết kế, kinh tế kỹ thuật. Tăng cường cho Thủ đô thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế. Thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho Thủ đô đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị. Nghiên cứu, đề xuất các điều khoản ưu tiên áp dụng so với các Luật khác...

(3) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Cơ quan liên quan:

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá để tiếp tục phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

(4) Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã:

- Rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật để đẩy mạnh các liên kết giữa Hà Nội với các địa phương trong Vùng để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai, nguồn nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng nghiên cứu, xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng, cho từng địa phương; trong đó có cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.

[...]