Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 30-NQ/TW
Ngày ban hành 23/11/2022
Ngày có hiệu lực 23/11/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 30-NQ/TW

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

I- TÌNH HÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỉ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế. Quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế được nâng lên rõ rệt, dẫn đầu cả nước. Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh. Khoa học - công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị; tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn khá phổ biến. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, một số dự án chậm tiến độ, thua lỗ. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại. Phát triển văn hóa - xã hội nhiều mặt còn bất cập; đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng yếu, chưa được chú trọng, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiệm vụ phát triển thành phố Nam Định thành đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam đồng bằng Sông Hồng và xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn (Quảng Ninh) chưa hoàn thành. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, năng lực quản lý nhà nước ở một số địa phương còn hạn chế.

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do: Nhận thức về vị trí, vai trò của vùng và phát triển vùng chưa đầy đủ; thể chế, liên kết vùng chậm được đổi mới. Thiếu cơ chế, chính sách gắn kết giữa mục tiêu phát triển của địa phương với mục tiêu chung của vùng. Chất lượng quy hoạch vùng và địa phương trong vùng thấp, thiếu liên kết; tình trạng tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Nguồn lực bố trí thực hiện các công trình, dự án có tính liên kết vùng gặp khó khăn. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ; công chức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Vùng đồng bằng Sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

- Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.

- Khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.

- Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phát triển hệ thống y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; đẩy mạnh phân công, phối hợp và phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

2. Mục tiêu đến năm 2030

Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

3. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 90%, trung học phổ thông đạt 68%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

- Tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

4. Tầm nhìn đến năm 2045

Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

- Quán triệt, thống nhất cao về nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của vùng và liên kết vùng; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô, vùng Thủ đô và toàn vùng; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.

- Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Quy hoạch các địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng; xây dựng và triển khai hiệu quả các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm. Quy hoạch các địa phương có biển phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, bảo đảm tính liên kết giữa vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, thực hiện nghiêm và hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố; giữ nghiêm kỷ cương quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất.

- Tiếp tục phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

[...]