Kế hoạch 306/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 306/KH-UBND
Ngày ban hành 27/12/2021
Ngày có hiệu lực 27/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 306/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY TẮC ỨNG XỬ NƠI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; UBND Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

- Từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng được duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, tại nơi công cộng cụ thể.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng

- Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố với các hình thức phù hợp.

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền trong hệ thống trường học, thông qua các hội thi “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Niêm yết quy tắc ứng xử tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, các điểm di tích, nơi công cộng theo mẫu thống nhất toàn Thành phố, thay thế các bảng tuyên truyền cũ, bạc màu không đảm bảo tuyên truyền.

- Phân loại đối tượng để tuyên truyền: cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố; lực lượng học sinh, sinh viên; đoàn viên, hội viên và Nhân dân, từ đó đưa ra các giải pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng.

- Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những người cao tuổi, những người có uy tín ảnh hưởng ở khu dân cư gương mẫu thực hiện quy tắc ứng xử.

- Tập trung tuyên truyền vào nơi tập trung đông người, dễ xảy ra các vi phạm thiếu chuẩn mực như: các khu chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, bến xe, vườn hoa, công viên, không gian văn hóa, thể thao tại cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, ứng xử của người dân khi tham gia giao thông.

2. Nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước

- Rà soát quy ước, hương ước, bổ sung nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào quy ước, hương ước của từng thôn, làng, tổ dân phố để công khai thực hiện có hiệu quả ở từng đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy ước, hương ước và quy tắc ứng xử nhằm tăng cường giáo dục ý thức chấp hành quy ước, tạo dư luận xã hội, điều chỉnh các hành vi ứng xử của mỗi người. Xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước và quy tắc ứng xử trở thành nếp sống đẹp trong các tầng lớp Nhân dân.

- Chú trọng chất lượng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương, đảm bảo thực hiện an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Gắn việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng với việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng đô thị bổ sung hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh, điện chiếu sáng, xây dựng không gian cảnh quan môi trường đô thị văn minh hiện đại, nhằm hạn chế tối đa hành vi vi phạm, đảm bảo thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và quy tắc ứng xử nơi công cộng.

- Chấn chỉnh xử lý nghiêm những tình trạng vi phạm kỷ cương đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán hàng, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, đường phố đảm bảo thông thoáng, tiến tới xây dựng tuyến phố, tuyến đường dành cho người đi bộ.

3. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng

- Nhân rộng mô hình ứng xử văn hóa trong gia đình: “Gia đình an toàn COVID-19”, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến các gia đình, tổ dân phố, khu dân trên địa bàn.

- Đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình: (1) Mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình; (2) Mô hình Nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; (3) Mô hình tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; (4) Mô hình hướng dẫn Nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; (5) Mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; (6) Mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện.

- Triển khai các mô hình: (1) Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn, (2) Mô hình làng văn hóa tiêu biểu, (3) Mô hình phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

- Tổ chức giao lưu, gặp gỡ các mô hình tiêu biểu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.

[...]