Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2022 triển khai Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2022
Ngày có hiệu lực 28/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Hà Giang, ngày 28 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1163/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC "PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược). UBND tỉnh Hà Giang xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tranh thủ cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh, trở thành cầu ni vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử và các giải pháp công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại; khơi dậy và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt khuyến khích và thu hút khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo hài hòa, hợp lý, gắn với lợi thế của từng địa phương. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại phát triển, mở rộng mạng lưới phân phối trên địa bàn; quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân liên kết tham gia thị trường.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, xây dựng ngành thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Làm căn cứ để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh và phù hợp với quy hoạch tỉnh.

- Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và giai đoạn.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, văn minh phù hợp với quy mô, đặc điểm của tỉnh trong từng giai đoạn, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững; tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy hoạt động sản xuất gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu phát triển thương mại giai đoạn 2022 - 2030

- Tốc độ tăng trưởng GTGT thương mại tăng bình quân là 12,5%/năm; tỷ trọng đóng góp của thương mại đạt 4,5% GRDP tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 11%/năm; đến năm 2030, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm từ 15% đến 20%, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

- Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm tính an toàn và thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình tham gia hoạt động thương mại điện tử. Đến năm 2030: doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10% - 11%, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên sàn dịch thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước; 80% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; 60 % hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận nhãn hiệu của tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện t; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử đạt 55%.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và quy mô phát triển của từng địa bàn trong từng giai đoạn; hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, miền núi phát triển đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

- Đầu tư phát triển trung tâm Logistics giúp hoạt động lưu thông và phân phối hàng hóa đạt hiệu quả cao, khắc phục ảnh hưởng của các yếu tố cự ly, thời gian và chi phí sản xuất, vận chuyển, góp phần đáng kể vào việc phân bố các ngành sản xuất một cách hợp lý.

2.2. Mục tiêu phát triển thương mại giai đoạn 2031 - 2045

- Tốc độ tăng trưởng GTGT thương mại tăng bình quân là 12%/năm; tỷ trọng đóng góp của thương mại đạt 4,7% GRDP tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đến năm 2045, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 40%, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

- Phấn đấu đạt trên 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước; 95% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm; 90 % hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận nhãn hiệu của tỉnh có mặt trên các sàn thương mại điện tử;

[...]