Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 426/QĐ-TTG về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 17-CT/TW tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 03/KH-UBND
Ngày ban hành 08/01/2024
Ngày có hiệu lực 08/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Hùng Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 426/QĐ-TTG NGÀY 21/4/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 4509/QĐ-BNN-CCPT ngày 30/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 209/TTr-SNN ngày 29/12/2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (Viết tắt: Chỉ thị 17CT/TW), Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 21/12/2022 của Tỉnh ủy về phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Viết tắt: Kế hoạch số 146-KH/TU); tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (Viết tắt: ATTP), tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh; từng bước khắc phục những hạn chế nhằm bảo đảm an ninh, ATTP trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đối với công tác đảm bảo an ninh, ATTP; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ có liên quan để thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Kế hoạch số 146-KH/TU và Kế hoạch này, trong đó rà soát, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc kế hoạch nói trên với nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ được giao tại các chương trình, đề án, kế hoạch khác để tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực khi thực hiện.

- Triển khai đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị 17-CT/TW và Kế hoạch số 146KH/TU đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Ban hành, xây dựng, áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích tiếp tục hình thành, phát triển các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh, ATTP.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm

- Các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, ATTP theo đúng quy định của pháp luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, ATTP; đưa các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về công tác bảo đảm an ninh, ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Tiếp tục kiện toàn, phát huy vai trò, trách nhiệm Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của các cấp. Ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh, ATTP kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình tại địa phương.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh phát triển nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, ATTP liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và phổ biến kiến thức về an ninh, ATTP. Đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình, báo của địa phương, của tỉnh, Trung ương; mô hình, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục, trong các hoạt động văn hóa văn nghệ; các cuộc vận động, các phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị, địa phương...vv.

- Kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP, tăng cường tuyên truyền trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu...

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đến đoàn viên, hội viên và nhân dân về vấn đề an ninh, ATTP. Lồng ghép các nội dung công tác bảo đảm an ninh, ATTP với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

- Các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an ninh, an toàn thực phẩm đến các cơ quan truyền thông để kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của tỉnh; đồng thời công bố những đơn vị có sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an ninh, an toàn thực phẩm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin gây hoang mang cho nhân dân về an ninh, an toàn thực phẩm ở tỉnh.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm.

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động.

- Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, việc sử dụng các chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc trong các khâu từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh, ATTP; đồng thời có những biện pháp phù hợp để phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu đang lưu thông trên thị trường.

[...]