Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 16/02/2023
Ngày có hiệu lực 16/02/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Khánh Hòa, ngày 16 tháng 02 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT BẢO ĐẢM AN TOÀN DỊCH BỆNH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 phê duyệt Kế hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025 và Quyết định số 3516/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 phê duyệt Danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó kêu gọi đầu tư 06 khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 108 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm (thành phố Nha Trang có 24 cơ sở, thành phố Cam Ranh có 22 cơ sở, thị xã Ninh Hòa có 21 cơ sở và huyện Vạn Ninh có 19 cơ sở). Thực trạng trên cho thấy việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở và Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và các Quyết định của UBND tỉnh số 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022, số 3516/QĐ-UBND ngày 22/12/2022, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các địa điểm đã được quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo đúng quy định; xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, hệ thống giao thông, điện nước đảm bảo sẵn sàng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng.

b) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá và quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn đảm bảo đúng lộ trình theo Quyết định 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022, theo đó, đến cuối năm 2023 phải chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chặt chẽ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ theo Luật Thú y ngày 19/6/2015 và các quy định pháp luật; xây dựng lộ trình đưa cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chủ trì, phối hợp với ngành thú y tổ chức cho cơ sở giết mổ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định phương thức quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện, chấp hành nội dung cam kết về điều kiện an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y và không bảo đảm an toàn thực phẩm.

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục kêu gọi đầu tư, thẩm định hồ sơ, cấp phép đầu tư các đề xuất dự án đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các địa điểm theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022.

b) Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách tỉnh và theo quy định của pháp luật cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 15/5/2020 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc quy định chính sách tín dụng và mức vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với các sở, ban ngành tiếp tục kêu gọi đầu tư, tham gia, phối hợp thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

b) Phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương cấp huyện trong việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện tại và có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

c) Hằng năm, chỉ đạo ngành thú y xây dựng và triển khai thực hiện giám sát điều kiện vệ sinh thú y để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với một số sản phẩm có nguồn gốc động vật chủ lực sau giết mổ; đánh giá điều kiện yêu cầu vệ sinh thú y, phân tích các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm để có kế hoạch triển khai ngăn ngừa. Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở giết mổ đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm.

d) Xây dựng nguồn lực, đào tạo tập huấn chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt chú trọng đến lực lượng nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.

đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát giết mổ và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm trong quản lý kiểm soát giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.

4. Sở Công Thương

a) Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, đặc biệt tại các chợ.

b) Tập trung thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh, cả nước; kịp thời thông tin về thị trường tiêu thụ và dự báo về thị trường tạo thuận lợi để các cơ sở giết mổ có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

c) Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ phối hợp cơ quan thú y thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với sản phẩm động vật kinh doanh tại các chợ, siêu thị theo đúng quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền cho người dân việc kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

7. Công an tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng về kiểm soát giết mổ động vật làm lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm.

8. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương, tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định. Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến năm 2024, những địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa có nhà đầu tư khảo sát, bố trí cân đối sử dụng vốn ngân sách nhà nước để triển khai các Dự án khu giết mổ tập trung.

9. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Khánh Hoà: Chỉ đạo các lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

[...]