Kế hoạch 3025/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 3025/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2023
Ngày có hiệu lực 31/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Nguyễn Tấn Tuân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3025/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỈNH KHÁNH HÒA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh được đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

2. Yêu cầu

- Quán triệt các quan điểm, mục tiêu phát triển và các đột phá phát triển, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các phương án phát triển ngành, lĩnh vực được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh.

- Xây dựng phương án kêu gọi, thu hút đầu tư để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh, bao gồm đầu tư công và thu hút các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn.

- Xác định rõ các nguồn lực và giải pháp để thực hiện quy hoạch. Trong tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương.

- Tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng ngành và địa phương trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Mục tiêu, định hướng phát triển chính của quy hoạch

1.1. Mục tiêu phát triển

Đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

1.2. Định hướng phát triển

Để thực hiện hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, quy hoạch tỉnh đã đề ra các định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời kỳ quy hoạch, cụ thể là:

1.2.1. Về phát triển đô thị

Đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 01 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

1.2.2. Vùng động lực phát triển

a) Khu vực vịnh Vân Phong

Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ,... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

b) Thành phố Nha Trang

Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

c) Khu vực vịnh Cam Ranh

Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

1.2.3. Các hành lang kinh tế

[...]