Chương trình 05/CT-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 531/QĐ-TTg về Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 21/05/2021
Ngày có hiệu lực 21/05/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Tuyên Quang, ngày 21 tháng 5 năm 2021

 

                                               CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 531/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quyết định 531/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 531/QĐ-TTg; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và sự đồng thuận của nhân dân. Triển khai thực hiện Chương trình hành động phải đảm bảo sự thống nhất, điều hành tập trung của Cấp ủy, chính quyền các cấp; xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo huy động mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển khu vực dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

Việc triển khai phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Cấp ủy, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và giám sát của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển khu vực dịch vụ. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

Phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế của tỉnh, đưa cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong GRDP. Tập trung nguồn lực để phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng như: du lịch, logistics và vận tải, ngân hàng, giáo dục và đào tạo, y tế, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại đảm bảo phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dịch vụ: du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, logistics và vận tải để tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, có tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác; từng bước tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi,...).

2. Mục tiêu phát triển:

- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,4% (Mục tiêu Quyết định 531/QĐ-TTg đạt 7-8%; Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đạt 8,4%)(1), tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt khoảng 47% vào năm 2030 (Mục tiêu Quyết định 531/QĐ- TTg đạt 50%, Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đạt 47%)(2).

- Trong thời kỳ 2031-2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% (Mục tiêu Quyết định 531/QĐ-TTg đạt khoảng 60%).

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH DỊCH VỤ

1. Dịch vụ Du lịch: Đến năm 2030 ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Khu du lịch Tân Trào trở khu du lịch quốc gia; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; từng bước đưa khu du lịch Na Hang-Lâm Bình vào danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. Thu hút, đón trên 3,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 6.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động ngành du lịch(3). Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu. Thời kỳ 2031-2050, tiếp tục khai thác tiềm năng về du lịch lịch sử, cách mạng, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; phấn đấu đến năm 2050 đón trên 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 66.000 lao động ngành du lịch.

2. Dịch vụ Logistics và vận tải: Thu hút mọi nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch của tỉnh; Chú trọng đầu tư, phát triển dịch vụ vận tải logistics đáp ứng được nhu cầu phát triển các khu dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, tổng sản lượng vận tải đạt khoảng 1.000 triệu tấn.km (tương đương 15 triệu tấn hàng hóa), 900 triệu hành khách.km (tương đương 13 triệu lượt khách)(4); phấn đấu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2050, tổng sản lượng vận tải đạt khoảng 1.300 triệu tấn.km (tương đương 21 triệu tấn hàng hóa), 1.200 triệu hành khách.km (tương đương 19 triệu lượt khách); dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực dịch vụ vận tải.

3. Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển khu vực dịch vụ trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; chủ động trong việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức theo cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đến năm 2030, Công nghệ thông tin và Truyền thông của tỉnh đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4(5). Thời kỳ 2031 - 2050, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; kinh tế số chiếm tỷ trọng cao trong dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông.

4. Dịch vụ Tài chính - ngân hàng: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh gắn với xử lý nợ xấu, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn; duy trì tăng trưởng dịch vụ ngân hàng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng trở thành nhóm dịch vụ chủ chốt, dẫn dắt, hỗ trợ sự phát triển của khu vực dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng nguồn vốn bình quân 15%/năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân 12%/năm; kiểm soát nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân 25%/năm(6). Thời kỳ 2031-2050, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ngân hàng năm sau cao hơn năm trước, dịch vụ ngân hàng chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong khu vực dịch vụ của tỉnh.

5. Dịch vụ Khoa học và công nghệ: Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp thực hiện các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ; mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ và mua kết quả nghiên cứu. Phấn đấu đến năm 2030, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) lĩnh vực Khoa học và công nghệ tham gia đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng kinh tế.

6. Dịch vụ Phân phối: Phát triển thương mại, dịch vụ bảo đảm tính đồng bộ, kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS,... góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tư do đã ký kết để phát triển. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 350 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 11,4%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) giai đoạn 2021-2030 đạt 6,6%/năm(7). Thời kỳ 2031-2050, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh.

7. Dịch vụ Y tế: Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đạt 37 giường và 11 bác sỹ trên 1 vạn dân(8). Đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đạt 40 giường bệnh và 12 bác sỹ trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

8. Dịch vụ Hỗ trợ kinh doanh: Đổi mới nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp sử dụng nhiều như: dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ kế toán - kiểm toán và các loại hình dịch vụ mới như tư vấn về quản trị nhân sự, dịch vụ hỗ trợ pháp lý, dịch vụ thu tiền cung cấp hóa đơn... Chú trọng cung ứng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, nhất là các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu như dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính, cung ứng vật tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật,... Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo mục tiêu "Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”, đảm bảo đến năm 2030 cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đạt 100%, góp phần nâng cao chỉ số thành phần PCI, đặc biệt các chỉ số có điểm thấp hoặc bị giảm điểm như: Chỉ số Gia nhập thị trường, Chỉ số Tiếp cận đất đai, Chỉ số Chi phí không chính thức,...

9. Dịch vụ giáo dục - đào tạo và lao động: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; chú trọng đào tạo nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý. Đến năm 2030, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 người, trong đó có khoảng 30% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm, có từ 80% có việc làm sau đào tạo; tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 17%(9). Đến năm 2050, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 15.000 người, có từ 85% có việc làm, năng suất lao động và thu nhập cao hơn sau đào tạo; tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30%.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO VÙNG

1. Khu vực phía nam, gồm: Thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương và khu vực phía Nam huyện Yên Sơn: Tập trung đẩy mạnh phát triển các nhóm ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ phân phối, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch lịch sử văn hóa, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, dịch vụ vận tải logistics và các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

[...]