Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Chương trình 04/Ctr-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 04/Ctr-UBND
Ngày ban hành 01/06/2021
Ngày có hiệu lực 01/06/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/Ctr-UBND

Cà Mau, ngày 01 tháng 6 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển các ngành dịch vụ đã được phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cụ thể như sau:

- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8% (giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 7 - 7,5%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8%), cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 32,5% GRDP; định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 35% GRDP.

- Trong giai đoạn 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GRDP.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Chương trình hành động phải đảm bảo đáp ứng nội dung quy định tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; gắn kết, phù hợp với Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 04/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình hành động phải cụ thể, thiết thực, bảo đảm tính khả thi cao gắn với thực trạng phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh và bối cảnh của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ thế mạnh, tiềm năng theo hướng bền vững.

- Phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị có liên quan cụ thể và toàn diện, gắn với trách nhiệm rõ ràng để đảm bảo việc thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất.

- Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kinh phí phù hợp theo quy định; tăng cường công tác huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước (tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,...) tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định của pháp luật để Chương trình hành động đạt hiệu quả cao nhất.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Trên cơ sở các định hướng thực hiện chiến lược và định hướng phát triển các ngành dịch vụ đã được phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ

Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của đơn vị đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 04/6/2020 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan đến ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách; phối hợp, tiếp tục có ý kiến về chính sách và khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành dịch vụ.

2. Đối với dịch vụ hỗ trợ kinh doanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Thực hiện đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành. Tăng cường chuyển giao các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân (việc cấp chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ nghề, các dịch vụ xác nhận, cấp phép liên quan tới hoạt động kinh doanh,...).

- Rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2030.

- Xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ theo hướng: Tạo môi trường kinh doanh; tạo lập và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực, thị trường và các loại hình dịch vụ; tạo lập và nâng cao văn hóa và năng lực quản trị kinh doanh.

- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đề xuất việc hỗ trợ cho các lĩnh vực dịch vụ phục vụ kinh doanh thiết yếu theo từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực đó.

3. Đối với dịch vụ du lịch

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch là lợi thế và tiềm năng của tỉnh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch địa lý, biển, đảo và du lịch cộng đồng. Ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm.

- Phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý, lữ hành, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch, cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác.

[...]