Hướng dẫn ô tô đi vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Nội dung chính
Hướng dẫn ô tô đi vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là nhà ga nội địa mới được đưa vào khai thác từ tháng 5/2025.
Do là ga mới, hạ tầng giao thông kết nối vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều tài xế và người dân chưa nắm rõ cách di chuyển vào ga.
Dưới đây là hướng dẫn ô tô đi vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất:
(*) Tổng quan hệ thống giao thông và cổng ra vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Hiện tại, tuyến đường chính dẫn vào nhà ga T3 là đoạn đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, được thiết kế 2 chiều với tổng cộng 6 làn xe. Cách phân làn cụ thể như sau:
- Làn ngoài cùng bên trái (sát dải phân cách giữa): chỉ dành cho ô tô.
- Làn giữa: dành cho ô tô con, xe khách, xe máy.
- Làn sát vỉa hè (trong cùng bên phải): chỉ dành cho xe máy và xe ba gác.
Hệ thống cầu vượt và các đường nối quanh nhà ga được thiết kế để tách biệt làn ô tô và xe máy, nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt.
Cổng vào chính của ô tô đi vào nhà ga T3 nằm bên dưới cầu vượt, được gắn biển hướng dẫn rõ ràng. Xe máy không được phép vào đường này.
(*) Các tuyến đường vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dành cho ô tô theo từng hướng xuất phát
(1) Từ Bình Dương, TP.Thủ Đức, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh
Lộ trình di chuyển: Phạm Văn Đồng → Bạch Đằng → Trường Sơn → rẽ phải Phan Thúc Duyện → rẽ phải vào đường 18E → đến cổng vào ô tô nhà ga T3 (bên dưới cầu vượt).
(2) Từ Đồng Nai, TP.Thủ Đức (khu vực xa hơn như Long Thành, Biên Hòa)
Có thể chọn một trong hai hướng:
- Hướng 1: Võ Nguyên Giáp → cầu Sài Gòn → Điện Biên Phủ → vòng xoay Hàng Xanh → Xô Viết Nghệ Tĩnh → Bạch Đằng → Phan Đăng Lưu → Hoàng Văn Thụ → Phan Thúc Duyện → đường 18E → vào nhà ga T3.
- Hướng 2: Đi theo Xa lộ Hà Nội → Võ Thị Sáu → Nam Kỳ Khởi Nghĩa → Nguyễn Văn Trỗi → Phan Thúc Duyện → đường 18E → vào nhà ga T3.
(3) Từ Q.7, H.Nhà Bè, H.Cần Giờ
Lộ trình di chuyển:
Huỳnh Tấn Phát → cầu Tân Thuận 1 → Nguyễn Tất Thành → cầu Khánh Hội → Tôn Đức Thắng → vòng xoay Mê Linh → Hai Bà Trưng → Võ Thị Sáu → Nam Kỳ Khởi Nghĩa → Nguyễn Văn Trỗi → Phan Thúc Duyện → đường 18E → đến cổng ô tô nhà ga T3.
(4) Từ Tây Ninh, Long An, Q.12, H.Hóc Môn, H.Củ Chi
Đi theo Quốc lộ 22 hoặc Quốc lộ 1 → Trường Chinh → Cộng Hòa, sau đó chọn 1 trong 3 hướng:
- Hướng 1: Đi thẳng theo làn ô tô dưới cầu vượt → vào thẳng cổng chính nhà ga T3 (chỉ dành cho ô tô).
- Hướng 2: Rẽ phải vào đường C12 → đi dưới cầu vượt → rẽ phải đường 18E → đến nhà ga T3.
- Hướng 3: Cộng Hòa → rẽ phải Hoàng Hoa Thám → vào đường nối → nhà ga T3.
(5) Từ Q.3, Q.10, Q.11, Q.6 và khu vực trung tâm
Di chuyển theo Lê Văn Sỹ hoặc Hoàng Văn Thụ → vòng xoay Lăng Cha Cả → rẽ trái vào Cộng Hòa → rẽ phải vào đường 18E → đến cổng nhà ga T3 dành cho ô tô.
Lưu ý: Phân biệt lối đi cho ô tô và xe máy
- Cổng vào ô tô: nằm bên dưới cầu vượt, chỉ dành cho xe ô tô vào trả khách.
- Xe máy và ô tô con muốn vào bãi giữ xe T3: phải đi lên cầu vượt, sau đó rẽ vào khu vực giữ xe được chỉ định.
Hướng dẫn ô tô đi vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (Hình từ Internet)
Hướng dẫn ô tô rời nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Sau khi trả khách hoặc đón người thân, tài xế có thể chọn các lộ trình rời khỏi nhà ga như sau:
(1) Hướng về trung tâm TP.HCM (Q.1, Q.3, Q.5…)
Rẽ trái ra đường nối → rẽ phải vào 18E → rẽ trái Cộng Hòa → cầu vượt Lăng Cha Cả → Hoàng Văn Thụ → Nguyễn Văn Trỗi → vào trung tâm.
Hoặc rẽ phải đường nối → Hoàng Hoa Thám → Cộng Hòa → tiếp tục đi vào nội đô.
(2) Hướng về các tỉnh Tây Ninh, Long An, miền Tây
Rẽ phải ra đường nối → rẽ vào đường C12 → Cộng Hòa → Trường Chinh → theo Quốc lộ 22 hoặc Quốc lộ 1 để ra khỏi thành phố.
Doanh nghiệp cảng hàng không có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 05/2021/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cảng hàng không như sau:
(1) Quản lý, tổ chức khai thác kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của cảng hàng không, sân bay thuộc quyền sở hữu hoặc được nhà nước giao, cho thuê quyền khai thác hoặc được chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác theo quy định của pháp luật, bao gồm các hình thức sau:
- Trực tiếp quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật;
- Giao hoặc thuê tổ chức trực tiếp khai thác cảng hàng không, sân bay; trường hợp này thì doanh nghiệp cảng hàng không vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay.
(2) Lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch cảng hàng không đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với việc khai thác cảng hàng không, sân bay; tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng theo kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
(3) Ký hợp đồng giao kết theo quy định với doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
(4) Xây dựng, bảo trì, duy trì hoạt động các công trình hệ thống hàng rào an ninh, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung gồm đường giao thông nội cảng ngoài sân bay, công trình cấp điện, công trình cấp nước, công trình thoát nước, công trình bảo vệ môi trường, công trình thông tin liên lạc và các công trình thiết yếu của cảng hàng không, trừ các công trình thuộc phạm vi quản lý, khai thác của doanh nghiệp bảo đảm hoạt động bay.
(5) Đầu tư, trang bị công cụ, công nghệ, các phần mềm hỗ trợ, phục vụ cho việc kiểm soát, điều hành sân bay theo năng lực khai thác và giờ cất hạ cánh của tàu bay, sử dụng sân đỗ tàu bay, phối hợp hiệp đồng ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay theo yêu cầu và kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(6) Phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cảng hàng không, sân bay theo yêu cầu và kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(7) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 64 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.