Cầu Mỹ Thuận ở đâu? Hạn chế xe qua cầu Mỹ Thuận để sửa chữa trong thời gian nào?
Nội dung chính
Cầu Mỹ Thuận ở đâu?
Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, cầu nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.
Cầu Mỹ Thuận có chiều dài hơn 1,5km, rộng gần 24m cho 4 làn xe cơ giới lưu thông, được khởi công tháng 7/1997 và khánh thành vào ngày 21/5/2000.
Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam bắc qua sông Tiền, mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện giao thông lưu thông qua lại. Dự án Cầu Mỹ Thuận là sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia. Công trình hoàn thành năm 2000 giúp người dân miền Tây không phải đi phà qua sông Tiền.
Hạn chế xe qua cầu Mỹ Thuận để sửa chữa trong thời gian nào?
Dự kiến từ nay đến hết tháng 6/2025, các xe sẽ bị hạn chế lưu thông từ 5h đến 13h30 hàng ngày.
Đơn vị thi công rào chắn phân nửa làn xe mỗi chiều (không quá 4 m) để tập kết thiết bị và sửa chữa nền đường, mặt cầu, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông khu vực nút giao ở hai đầu cầu thuộc Tiền Giang và Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận bao nhiêu km?
Cầu Mỹ Thuận 2 là một công trình giao thông trọng điểm quốc gia, nằm cách cầu Mỹ Thuận khoảng 350m về phía thượng lưu sông Tiền. Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, và là một phần quan trọng trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, trong đó phần cầu chính vượt sông dài 1.906 mét, được thiết kế theo kiểu cầu dây văng với nhịp chính dài 650 mét. Mặt cầu rộng 28 mét, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 km/h ở giai đoạn đầu.
Giai đoạn hoàn chỉnh, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ có 6 làn xe, đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sau khi nâng cấp lên 6 làn xe hoàn chỉnh; vận tốc 100 km/h.
Dự án được khởi công vào ngày 16 tháng 3 năm 2020 và đã hoàn thành, chính thức thông xe vào ngày 24 tháng 12 năm 2023 cùng với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới vận tải và logistics của khu vực, qua đó nâng cao hiệu quả kết nối liên vùng. Công trình này cũng giúp giảm tải đáng kể lưu lượng phương tiện đang ngày càng gia tăng trên cầu Mỹ Thuận hiện hữu và tuyến Quốc lộ 1.
Việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân sẽ góp phần tạo đà cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội tại khu vực Tây Nam Bộ.
Cầu Mỹ Thuận ở đâu? Hạn chế xe qua cầu Mỹ Thuận để sửa chữa trong thời gian nào? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng là gì?
Căn cứ Điều 4 Luật Xây dựng 2014 (bổ sung bởi điểm c khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
- Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
- Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ các điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp công trình xây dựng và công việc theo quy định của Luật Xây dựng 2014.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.
- Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.