Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi nào hoàn thành? Vai trò và kết nối vùng khi hoàn thành cao tốc An Hữu - Cao Lãnh
Mua bán nhà đất tại mới nhất tháng 07 / 2025
Nội dung chính
Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi nào hoàn thành?
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là một trong những tuyến trục ngang chiến lược tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông liên vùng và giảm tải áp lực cho quốc lộ 30 trục đường hiện hữu trên hành lang bờ Bắc sông Tiền.
Tuyến cao tốc dài khoảng 27,43km, được đầu tư theo hai dự án thành phần, lần lượt do UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.
- Dự án thành phần 1: dài khoảng 16km, toàn bộ nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
- Dự án thành phần 2: dài khoảng 11,43km, đi qua tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, 3,8km nằm tại Đồng Tháp, còn lại 7,63km thuộc Tiền Giang.
Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Công trình chính thức khởi công từ tháng 8/2024, với điểm đầu tại Km16+000 (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) và điểm cuối kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại Km98+950 (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Dự án cần thu hồi khoảng 83 ha đất để triển khai thi công. Tính đến tháng 6/2025, dự án đã đạt trên 31,7% khối lượng thi công, với 50 mũi thi công đồng loạt đang được triển khai:
- Hạng mục cầu: đang thi công phần kết cấu dưới, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025.
- Hạng mục đường: tập trung xử lý nền đất yếu, chuẩn bị cho thi công các lớp kết cấu mặt đường.
- Tuyến nhánh kết nối tỉnh lộ 850: đang được thi công đảm bảo đúng tiến độ để kết nối lưu thông với tuyến thành phần 1.
Dự kiến dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh hoàn thành trong năm 2027.
Dự án thành phần 2 cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi nào hoàn thành? (Hình từ Internet)
Vai trò và kết nối vùng khi hoàn thành cao tốc An Hữu - Cao Lãnh
Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh là một trong những tuyến trục ngang chiến lược quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch trong Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường không chỉ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông nội vùng, mà còn đóng vai trò kết nối các tuyến trục dọc huyết mạch đã và đang triển khai trong khu vực.
Về mặt chức năng, tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông đáng kể cho quốc lộ 30, vốn là tuyến đường huyết mạch hiện nay chạy dọc theo bờ Bắc sông Tiền, thường xuyên quá tải.
Đồng thời, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh sẽ thiết lập một hành lang vận tải mới hiện đại, liên tục, tốc độ cao, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các tỉnh trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ kết nối trực tiếp với hàng loạt trục giao thông quan trọng, bao gồm:
- Cao tốc Bắc – Nam phía Đông: kết nối từ TP.HCM đến Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau, đóng vai trò trục xương sống của miền Tây Nam Bộ;
- Cao tốc Bắc – Nam phía Tây: gồm các tuyến N2 – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, hỗ trợ phát triển khu vực Đồng Tháp Mười và vùng ven biển phía Tây;
- Quốc lộ 1: trục giao thông huyết mạch toàn quốc;
- Đường tỉnh 850: tuyến kết nối nội vùng quan trọng, hỗ trợ lưu thông từ tuyến cao tốc ra các trung tâm hành chính – công nghiệp địa phương.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2027, dự án không chỉ góp phần nâng cao năng lực vận tải trên hành lang bờ Bắc sông Tiền mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực trung tâm Đồng Tháp Mười và các tỉnh giáp ranh như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Long An.
Hạ tầng cao tốc hiện đại này sẽ là động lực mạnh mẽ nhằm:
- Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nằm trong bán kính kết nối trực tiếp với tuyến đường;
- Phát triển ngành logistics nội vùng và liên vùng nhờ khả năng vận chuyển hàng hóa nhanh, khối lượng lớn;
- Gắn kết vùng nguyên liệu nông sản với các trung tâm tiêu thụ và xuất khẩu như TP.HCM và Cảng Cái Mép – Thị Vải;
- Tạo cơ hội tăng trưởng bền vững cho các địa phương nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm chi phí logistics.
Quy định về giao thông trên đường cao tốc
Căn cứ tại Điều 25 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định giao thông trên đường cao tốc như sau:
(1) Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ sau đây:
- Trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;
- Khi chuẩn bị ra khỏi đường cao tốc phải quan sát biển báo hiệu chỉ dẫn, thực hiện chuyển dần sang làn đường sát bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe di chuyển trên làn đường đó trước khi ra khỏi đường cao tốc;
- Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
- Các quy tắc giao thông đường bộ khác quy định tại Chương này.
(2) Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp; trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.
(3) Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.