Xử lý hiệu lực văn bản có sự thay đổi về địa giới đơn vị hành chính từ 1 7 2025
Nội dung chính
Xử lý hiệu lực văn bản có sự thay đổi về địa giới đơn vị hành chính từ 1 7 2025
Căn cứ khoản 20 Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2025 sửa đổi khoản 2 Điều 54 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 về văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó.
Trường hợp có sự thay đổi về địa giới đơn vị hành chính thì hiệu lực về không gian và đối tượng áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật được xác định như sau:
(1) Trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được chia tiếp tục có hiệu lực đối với các đơn vị hành chính mới cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới có quyết định khác;
(2) Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được nhập tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản hành chính để quyết định việc áp dụng hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được nhập hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới;
(3) Trường hợp một phần địa giới của đơn vị hành chính được điều chỉnh về một đơn vị hành chính khác thì vẫn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần địa giới của đơn vị hành chính được điều chỉnh;
(4) Văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính trước khi được thành lập, giải thể, chia, nhập đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới đó, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền.
Xử lý hiệu lực văn bản có sự thay đổi về địa giới đơn vị hành chính từ 1 7 2025 (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Căn cứ Điều 8 Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính như sau:
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
b) Giao nộp vào lưu trữ và bàn giao hồ sơ địa giới đơn vị hành chính theo quy định tại Thông tư này.
c) Bảo đảm điều kiện thực hiện lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính trên thực địa tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ mốc địa giới đơn vị hành chính. Khi phát hiện mốc bị xê dịch vị trí, bị hư hỏng hoặc bị mất phải có trách nhiệm lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức khôi phục mốc địa giới đơn vị hành chính.
Như vậy, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính được quy định theo điều trên.
Địa giới đơn vị hành chính ở thực địa được xác định ra sao?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định xác định địa giới đơn vị hành chính ở thực địa như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xác định đường địa giới đơn vị hành chính các cấp, vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính ở thực địa.
(2) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan tổ chức xác định đường địa giới đơn vị hành chính, vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan ở thực địa đối với trường hợp thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xác định địa giới đơn vị hành chính tại khu vực chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh và bàn giao kết quả để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.