Xây nhà ở riêng lẻ bao nhiêu tầng thì được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng?
Nội dung chính
Nhà ở riêng lẻ là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 có giải thích về Nhà ở riêng lẻ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.
2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.
3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
4. Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.
Theo đó, nhà ở riêng lẻ được hiểu là loại nhà được xây dựng trên một thửa đất ở riêng biệt, mà thửa đất này có thể thuộc quyền sử dụng của tổ chức hoặc cá nhân, hoặc là đất thuê, đất mượn từ tổ chức hoặc cá nhân. Loại hình nhà ở riêng lẻ bao gồm các dạng như biệt thự, nhà ở liền kề, và nhà ở độc lập. Những căn nhà này được xây dựng với mục đích chính là để ở hoặc có thể có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Khi xây nhà ở riêng lẻ thì được xây tối đa bao nhiêu tầng mới không cần phải có bản thiết kế xây dựng? (Hình từ Internet)
Xây nhà ở riêng lẻ bao nhiêu tầng thì được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ như sau:
Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ
1. Việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.
2. Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân dưới 7 tầng hoặc có 01 tầng hầm, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, việc thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện;
c) Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 02 tầng hầm trở lên, hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi xin cấp giấy phép xây dựng. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
3. Quản lý thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công xây dựng công trình. Khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức giám sát thi công xây dựng, lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này việc thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
...
Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014 có quy định như sau:
Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng
...
6. Nhà thầu thiết kế xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc do mình thực hiện.
7. Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:
a) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng yêu cầu thiết kế quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới 3 tầng được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ, việc tự thiết kế này phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Người nào phải chịu trách nhiệm về an toàn trong quá trình thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 06/2021/NĐ-CP có nêu như sau:
Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ
...
3. Quản lý thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân:
a) Chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công xây dựng công trình. Khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức giám sát thi công xây dựng, lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này việc thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện.
...
Theo quy định trên, chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ là người phải chịu trách nhiệm về an toàn trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có trách nhiệm tổ chức thi công, giám sát thi công trong quá trình xây dựng. Trong trường hợp nhà ở riêng lẻ thuộc diện phải có thiết kế chuyên nghiệp, việc thi công và giám sát cũng phải được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định.