Xây dựng chùa trong khu vực đô thị có phải xin giấy phép xây dựng không?

Xây chùa trong khu vực đô thị có phải xin giấy phép xây dựng không? Thủ tục xin giấy phép xây dựng khi xây chùa trong khu vực đô thị được quy định thế nào?

Nội dung chính

    Xây chùa trong khu vực đô thị có phải xin giấy phép xây dựng không?

    Tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 định nghĩa giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

    Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng 2014, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều này.

    Dẫn chiếu tới khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng không bao gồm trường hợp xây chùa ở khu vực đô thị.

    Như vậy, theo quy định nêu trên, việc xây dựng chùa trong khu vực đô thị vẫn phải xin giấy phép xây dựng vì không thuộc trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật.

    Xây dựng chùa trong khu vực đô thị có phải xin giấy phép xây dựng không?

    Xây dựng chùa trong khu vực đô thị có phải xin giấy phép xây dựng không? (Hình từ Internet)

    Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây chùa trong khu vực đô thị bao gồm những gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 15 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây chùa trong khu vực đô thị bao gồm:

    - Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 (Tải về) tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

    - Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

    - Quyết định phê duyệt dự án; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 15/2021/NĐ-CP; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;

    - 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, gồm: bản vẽ tổng mặt bằng toàn dự án, mặt bằng định vị công trình trên lô đất; bản vẽ kiến trúc các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình; bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, dự án.

    - Trường hợp chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng thì bổ sung thêm hợp đồng thuê đất hợp pháp. Trường hợp đầu tư xây dựng công trình gắn vào công trình, bộ phận của công trình hiện hữu thì bổ sung giấy tờ chứng minh quyền sở hữu công trình, bộ phận công trình hoặc hợp đồng thuê công trình, bộ phận công trình hợp pháp (nếu chủ đầu tư thuê công trình, bộ phận công trình để đầu tư xây dựng); báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình và bản vẽ thể hiện giải pháp liên kết của công trình với công trình hiện hữu.

    Thủ tục xin giấy phép xây dựng khi xây chùa trong khu vực đô thị được quy định thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014 (điểm d được sửa đổi bởi điểm a khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020; điểm e sửa đổi bởi điểm b khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thủ tục xin giấy phép xây dựng chùa trong khu vực đô thị gồm các bước sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ

    Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

    Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

     Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

    Bước 3: Giải quyết yêu cầu

    Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. 

    Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

    Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

    Bước 4: Trả kết quả

    Trong thời gian 12 ngày đối kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng.

    Lưu ý:

    Thời hạn giải quyết hồ sơ

    Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày.

    Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn 20 ngày nêu trên.

    Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

    Căn cứ theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD thì công trình tôn giáo được xác định là công trình cấp III.

    Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III trên địa bàn do mình quản lý.

    Như vậy, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cấp giấy phép xây dựng chùa trong khu vực đô thị là Ủy ban nhân dân cấp huyện

    11