Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố án ma túy được pháp luật quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố án ma túy được quy định tại Mục 2 Hướng dẫn 02/HD-VKSTC về công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra và Kiểm sát xét xử sơ thẩm ma túy năm 2018 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
Viện kiểm sát các cấp phải tuân thủ thực hiện đúng những quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương hướng dẫn về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (TG, TBVTP và KNKT), trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
- Phân công trách nhiệm cụ thể cho 01 lãnh đạo đơn vị phụ trách và Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ này; công chức được phân công phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục từ tiếp nhận, cập nhật vào sổ theo dõi thụ lý, đến việc phân loại xử lý, xây dựng và quản lý hồ sơ; xây dựng báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với vụ việc theo quy định.
- Để nắm chắc và đầy đủ thông tin tố giác về tội phạm cần chấp hành nghiêm túc chế độ trực nghiệp vụ, việc tiếp công dân; quy định về việc bố trí đặt hòm thư tiếp nhận TG, TBVTP; xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan hữu quan cùng cấp và thường xuyên theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như mạng xã hội trên Intremet.
- Khi có những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cần nhanh chóng nắm thông tin đồng thời xây dựng báo cáo ban đầu gửi VKS cấp trên theo đúng thời gian quy định về chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của VKSND tối cao (gọi tắt là Quy định 279). Nội dung báo cáo phải nêu được đầy đủ sự việc diễn ra (thời gian, địa điểm, chủ thể thực hiện bắt giữ), đối tượng có hành vi phạm tội (họ tên, năm sinh, HKTT), vật chứng thu giữ (tên loại ma túy, khối lượng), các biện pháp mà cơ quan chức năng đã tiến hành; những khó khăn vướng mắc và nội dung đề xuất, đề nghị VKS cấp trên hướng dẫn, hoặc xin ý kiến chỉ đạo.
- Địa phương nào chưa xây dựng và ký kết được Quy chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết TG, TBVTP và KNKT nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng thì cần báo cáo và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp để thực hiện; đối với các địa phương đã thực hiện thì cần rà soát, đối chiếu nội dung với các quy định mới trong BLTTHS năm 2015 để điều chỉnh cho phù hợp.
- Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được lãnh đạo phân công thụ lý kiểm sát việc giải quyết TG, TBVTP và KNKT cần phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong việc xác minh, thu thập chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ ban hành văn bản yêu cầu xác minh và thực hiện đôn đốc giải quyết; mọi TG, TBVTP và KNKT phải được giải quyết kịp thời đúng thời hạn, nếu có căn cứ cần phải kéo dài thời hạn giải quyết thì theo đề nghị của CQĐT, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện ra Quyết định gia hạn thời hạn xác minh; trường hợp đã hết thời hạn giải quyết nhưng chưa thể ra Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, CQĐT ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ ra quyết định, khi căn cứ tạm đình chỉ không còn phải yêu cầu CQĐT phục hồi ngay việc giải quyết theo quy định.
- Đối với các TG, TBVTP và KNKT thuộc các trường hợp VKS trực tiếp giải quyết phải phân công Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm giải quyết. Kiểm sát viên được phân công phải lập kế hoạch xác minh và đề xuất hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
- Khi xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018, các đơn vị bắt buộc phải xây dựng kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc giải quyết TG, TBVTP và KNKT đối với CQĐT cùng cấp hoặc cấp dưới. Phấn đấu mỗi đơn vị phải thực hiện được ít nhất 01 cuộc kiểm sát trực tiếp đối với CQĐT cùng cấp và 01 cuộc kiểm tra đơn vị VKSND cấp dưới về công tác này. Sau khi kiểm sát, kiểm tra phải ban hành được kết luận đánh giá những ưu điểm và những khuyết điểm, tồn tại, nếu có vi phạm thì ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu đơn vị hoặc cá nhân có vi phạm thực hiện khắc phục hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật. (Lưu ý: các đơn vị khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị cần gửi về VKSND tối cao (Vụ 4) trong thời gian sớm nhất để theo dõi và tổng hợp phục vụ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội).