Việc thiết kế lưới địa chính khi đo đạc lập bản đồ địa chính phải bảo đảm gì từ 2025?
Nội dung chính
Việc thiết kế lưới địa chính khi đo đạc lập bản đồ địa chính phải bảo đảm gì từ 2025?
Ngày 26/11/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.
Lưu ý, Thông tư 26/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về thiết kế lưới địa chính khi đo đạc lập bản đồ địa chính như sau:
Lưới địa chính
...
2. Thiết kế lưới địa chính
a) Việc thiết kế lưới địa chính đảm bảo các điểm địa chính được phân bố đều trên khu đo; ưu tiên tăng dày cho khu vực bị che khuất nhiều, địa hình phức tạp; tạo thuận lợi cho phát triển lưới khống chế đo vẽ và đo đạc chi tiết;
b) Lưới địa chính được thiết kế trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ lớn hoặc bản đồ địa chính đã có trước đó;
c) Số thứ tự điểm địa chính (số hiệu) được đánh liên tục theo tên khu đo từ 01 đến hết theo nguyên tắc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới theo đường lưới tọa độ vuông góc trên bản đồ sử dụng để thiết kế lưới;
d) Lưới địa chính được thiết kế để đo nối tọa độ với ít nhất ba điểm khống chế tọa độ có độ chính xác tương đương điểm tọa độ quốc gia hạng III trở lên, trường hợp đặc biệt được phép đo nối với hai điểm nhưng phải xác định cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ.
Các điểm khống chế tọa độ có độ chính xác tương đương điểm địa chính trở lên và điểm độ cao quốc gia từ hạng IV trở lên đã có trong khu đo được đưa vào thiết kế lưới;
đ) Khi lập lưới địa chính bằng công nghệ GNSS phải thiết kế để xác định đồng thời tọa độ và độ cao; trường hợp lập lưới địa chính bằng phương pháp khác thì không xác định độ cao điểm địa chính.
...
Do đó, việc thiết kế lưới địa chính khi đo đạc lập bản đồ địa chính phải bảo đảm các điểm địa chính được phân bố đều trên khu đo; ưu tiên tăng dày cho khu vực bị che khuất nhiều, địa hình phức tạp; tạo thuận lợi cho phát triển lưới khống chế đo vẽ và đo đạc chi tiết.
Việc thiết kế lưới địa chính khi đo đạc lập bản đồ địa chính phải bảo đảm gì từ 2025? (Hình từ Internet)
Đo đạc lập bản đồ địa chính bao gồm những hoạt động gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính như sau:
- Đo đạc lập mới bản đồ địa chính đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính gắn với hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia;
- Đo đạc lập lại bản đồ địa chính đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng đã thay đổi ranh giới của 75% thửa đất trở lên khi thực hiện dồn điền, đổi thửa;
+ Khu vực chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa; khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ có tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn so với tỷ lệ bản đồ cần đo vẽ theo quy định;
+ Khu vực đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;
- Đo đạc bổ sung bản đồ địa chính thực hiện đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng chưa đo vẽ khép kín phạm vi đơn vị hành chính, bao gồm cả khu vực đã đo khoanh bao trên mảnh bản đồ địa chính trước đó nhưng chưa đo chi tiết đến từng thửa đất;
- Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện với khu vực đã có bản đồ địa chính khi có sự thay đổi một trong các yếu tố về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính;
- Số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính thực hiện ở những khu vực chỉ có bản đồ địa chính giấy lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ HN-72 nay chuyển thành bản đồ địa chính số trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN-2000);
- Trích đo bản đồ địa chính được thực hiện riêng đối với từng thửa đất hoặc nhiều thửa đất trong phạm vi một mảnh trích đo bản đồ địa chính theo tỷ lệ cần thành lập đối với nơi chưa có bản đồ địa chính.