Hệ quy chiếu, hệ tọa độ và thông số đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào?
Nội dung chính
Hệ quy chiếu, hệ tọa độ và thông số đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào?
Ngày 26/11/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.
Lưu ý, Thông tư 26/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về hệ quy chiếu, hệ tọa độ và thông số đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính cụ thể như sau:
(1) Bản đồ địa chính được thành lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN-2000), phép chiếu hình trụ ngang đồng góc, múi chiếu 3º (3 độ), hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài k0 = 0,9999, kinh tuyến trục theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kinh tuyến trục) quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT;
- Các thông số khác của hệ VN-2000 không quy định tại Thông tư 26/2024/TT-BTNMT thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 973/2001/TT-TCĐC hướng dẫn áp dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000.
(2) Thông số đơn vị đo thiết lập trên phần mềm đồ họa quản lý tệp tin bản đồ địa chính như sau:
- Đơn vị làm việc chính là mét (m);
- Đơn vị làm việc phụ là milimét (mm);
- Độ phân giải là 1.000;
- Tọa độ điểm trung tâm làm việc của trục tọa độ X là 500.000 m, trục tọa độ Y là 1.000.000 m.
Hệ quy chiếu, hệ tọa độ và thông số đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT, khung bản đồ và lưới tọa độ trên bản đồ địa chính được quy định như sau:
(1) Khung bản đồ dùng để giới hạn phạm vi trình bày nội dung bản đồ địa chính, gồm khung ngoài và khung trong khép kín, cách nhau 01 xentimét (cm).
(2) Khung trong tiêu chuẩn có dạng hình vuông, kích thước 60 cm x 60 cm đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10.000 và 1:5.000; kích thước 50 cm x 50 cm đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2.000, 1:1.000, 1:500 và 1:200.
(3) Khung trong được mở rộng 10 cm hoặc 20 cm so với khung trong tiêu chuẩn khi biên tập bản đồ địa chính để thể hiện trọn thửa đất trong 01 mảnh bản đồ khi thửa đất nằm trên 02 mảnh bản đồ tiêu chuẩn trở lên hoặc để thể hiện hết nội dung bản đồ ở vùng rìa của khu vực thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính (sau đây gọi là khu đo) nếu nội dung bản đồ ở vùng rìa khu đo đó nằm trọn trong phạm vi thể hiện của khung trong sau khi được mở rộng.
(4) Lưới tọa độ trên bản đồ địa chính là lưới tọa độ vuông góc, được thể hiện tại các giao điểm trục tọa độ X với trục tọa độ Y để xác định khoảng cách 10 cm trên bản đồ, ký hiệu bằng dấu chữ thập (+), gọi tắt là lưới kilômét (km), được xác định theo số chẵn 10 của giá trị tọa độ X và tọa độ Y đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200 và 1:500, chẵn 100 của giá trị tọa độ X và tọa độ Y đối với mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000. Khi lưới km trùng đè lên yếu tố nội dung quan trọng khác của bản đồ dẫn tới khó đọc hoặc nhầm lẫn nội dung thì được phép loại bỏ.
(5) Trình bày khung bản đồ, lưới tọa độ vuông góc và chữ, số, ký hiệu ở khung bản đồ theo hướng Bắc; trường hợp cần trình bày thêm chữ, số ở khung ngoài phía Tây hoặc phía Đông thì thể hiện hướng ra bên ngoài khung bản đồ.
Bản đồ địa chính là gì? Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính bao gồm những hoạt động nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Đồng thời, khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định:
Nội dung và hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính
...
2. Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm:
a) Đo đạc lập mới bản đồ địa chính đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính gắn với hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia;
b) Đo đạc lập lại bản đồ địa chính đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng đã thay đổi ranh giới của 75% thửa đất trở lên khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; khu vực chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa; khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ có tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn so với tỷ lệ bản đồ cần đo vẽ theo quy định; khu vực đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;
c) Đo đạc bổ sung bản đồ địa chính thực hiện đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng chưa đo vẽ khép kín phạm vi đơn vị hành chính, bao gồm cả khu vực đã đo khoanh bao trên mảnh bản đồ địa chính trước đó nhưng chưa đo chi tiết đến từng thửa đất;
d) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện với khu vực đã có bản đồ địa chính khi có sự thay đổi một trong các yếu tố về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính;
đ) Số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính thực hiện ở những khu vực chỉ có bản đồ địa chính giấy lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ HN-72 nay chuyển thành bản đồ địa chính số trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN-2000);
e) Trích đo bản đồ địa chính được thực hiện riêng đối với từng thửa đất hoặc nhiều thửa đất trong phạm vi một mảnh trích đo bản đồ địa chính theo tỷ lệ cần thành lập đối với nơi chưa có bản đồ địa chính.
...
Như vậy, hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm các hoạt động theo quy định trên.