Được cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Lễ hội Ok Om Bok hay không?
Nội dung chính
Lễ hội Ok Om Bok là gì?
Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là Lễ cúng Trăng, là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, Việt Nam. Lễ hội thường diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch, tức vào khoảng tháng 11 dương lịch, và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Lễ hội Ok Om Bok nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng - vị thần tượng trưng cho mùa màng bội thu, nguồn nước và đời sống no đủ của con người. Đây cũng là dịp để cộng đồng Khmer cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no.
Một số hoạt động chính tại Lễ hội Ok Om Bok gồm:
- Lễ cúng Trăng;
+ Buổi lễ diễn ra vào buổi tối, khi Mặt Trăng sáng nhất. Người Khmer dâng lên Mặt Trăng các lễ vật gồm bánh gạo, cốm dẹp, chuối, dừa, mía, và các sản vật của địa phương.
+ Các vị cao niên hoặc chủ gia đình sẽ đọc lời cầu nguyện trước bàn cúng, sau đó chia lễ vật cho mọi người để cùng thưởng thức.
- Thả đèn gió và đèn nước;
+ Người dân thả đèn lồng và đèn nước để cầu mong những điều xui xẻo sẽ trôi đi, nhường chỗ cho may mắn, bình an.
- Đua ghe ngo.
+ Đây là hoạt động sôi động và hấp dẫn nhất trong lễ hội. Những chiếc ghe ngo (một loại thuyền độc mộc dài) với sự tham gia của nhiều đội đua tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết và đầy sức sống.
Được cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Lễ hội Ok Om Bok hay không? (Hình từ Internet)
Được cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Lễ hội Ok Om Bok hay không?
Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
...
4. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
...
Theo đó, không thực hiện cưỡng chế ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc. mà Lễ hội Ok Om Bok là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Do đó, không được cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Lễ hội Ok Om Bok.
Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 6 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
- Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;
- Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm lập phương án cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Phương án cưỡng chế phải có các nội dung cơ bản sau: mục đích, yêu cầu của việc cưỡng chế; thời gian, địa điểm, tiến độ thực hiện cưỡng chế; phương tiện, công cụ phục vụ, hỗ trợ cưỡng chế; thành phần, lực lượng tham gia cưỡng chế; thành phần phối hợp; kinh phí thực hiện cưỡng chế; phương án bảo quản tài sản di dời khỏi nơi cưỡng chế (nếu có); trách nhiệm thực hiện;
- Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận việc chấp hành; việc thực hiện các nội dung trong quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện ngay sau khi lập biên bản dưới sự giám sát của Ban thực hiện cưỡng chế;
- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Trong đó, thành phần Ban thực hiện cưỡng chế tại khoản 7 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Trưởng ban;
- Thành viên đại diện cho các cơ quan cấp huyện, gồm: cơ quan có chức năng quản lý đất đai, xây dựng, thanh tra, tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.