Mục đích đánh giá an toàn công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng từ 19/02/2025
Nội dung chính
Mục đích đánh giá an toàn công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng từ 19/02/2025
Quy trình này áp dụng đối với các công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng quy định tại Phụ lục XI Nghị định 175/2024/NĐ-CP.
Căn cứ quy định tại Điều 4 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD thì việc đánh giá an toàn công trình là để kịp thời phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khỏe con người ở bên trong và xung quanh công trình, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố, nguy cơ này trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
Đồng thời, theo Điều 5 Quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng ban hành kèm theo Thông tư 14/2024/TT-BXD, quy định chung về đánh giá an toàn kết cấu công trình như sau:
(1) Việc đánh giá an toàn kết cấu công trình phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đang có hiệu lực ở thời điểm đánh giá, sử dụng số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng tại Việt Nam.
(2) Hồ sơ, tài liệu được sử dụng trong đánh giá an toàn công trình phải đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật.
(3) Tổ chức đánh giá phải thu thập đủ thông tin cần thiết để thực hiện đánh giá an toàn công trình theo quy định tại quy trình này.
(4) Việc sửa chữa, gia cường kết cấu công trình phát sinh (nếu có) trong quá trình kiểm tra, đánh giá an toàn công trình phải tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.
(5) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại quy trình này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới nhất.
Mục đích đánh giá an toàn công trình 2025 (Hình ảnh từ Internet)
Nội dung đánh giá an toàn công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng từ 19/02/2025
Việc đánh giá an toàn công trình xây dựng sẽ được thực hiện thông qua các nội dung được quy định tại Điều 37 Nghị định 06/2021/NĐ-CP như sau:
- Kiểm tra, đánh giá khả năng làm việc của các kết cấu chịu lực chính và các bộ phận công trình có nguy cơ gây mất an toàn.
- Kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo vận hành, khai thác công trình bình thường, bao gồm: độ ồn, mức độ ô nhiễm của khói, bụi và các chất gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; an toàn cháy nổ; kết quả kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các điều kiện an toàn khác có liên quan.
- Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm:
+ Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá an toàn công trình;
+ Công bố các tổ chức kiểm định đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá an toàn công trình xây dựng chuyên ngành;
+ Quy định danh mục các công trình phải được cơ quan quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 06/2021/NĐ-CP xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình.
Nhà nước có những chính sách khuyến khích gì trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nhà nước có những chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình như sau:
- Khuyến khích hoạt động đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng nhà ở xã hội; hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
- Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trước pháp luật, được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư xây dựng; ưu tiên nhà thầu có công trình được Nhà nước trao tặng giải thưởng chất lượng công trình xây dựng khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng.
- Từng bước chuyển giao một số dịch vụ công do cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp có đủ khả năng, điều kiện đảm nhận.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.