Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu gì?
Nội dung chính
Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu gì?
Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu gì? được căn cứ tại Điều 54 Luật Đầu tư công 2024 như sau:
Điều 54. Nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án
[...]
4. Thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư công được quy định như sau:
a) Dự án đầu tư công khẩn cấp;
b) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;
c) Hoàn trả vốn ứng trước;
d) Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;
đ) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bao gồm cả vốn đối ứng;
e) Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án BT bằng tiền;
g) Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ kế hoạch;
h) Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;
i) Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
k) Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (nếu có);
l) Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
m) Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
n) Dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án khởi công mới phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này;
b) Tuân thủ thứ tự ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều này và bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.
[...]
Theo đó, việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đầu tư công 2024;
- Tuân thủ thứ tự ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Đầu tư công 2024 và bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.
Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án đầu tư công khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu gì? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm là gì?
Tại Điều 51 Luật Đầu tư công 2024 quy định về nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm như sau:
- Phù hợp với các mục tiêu phát triển tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.
- Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
- Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ theo mục tiêu và định hướng phát triển của từng thời kỳ.
- Bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.
- Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư, tạo quyền chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Kế hoạch đầu tư công hằng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, trừ kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên.
Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công là gì?
Căn cứ tại Điều 19 Luật Đầu tư công 2024 quy định về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công như sau:
- Phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
- Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.
- Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn.
- Phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương.
- Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
- Các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
+ Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
+ Nhiệm vụ quy hoạch;
+ Dự án đầu tư công khẩn cấp;
+ Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;
+ Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;
+ Dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để chuẩn bị dự án đầu tư.