Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
Nội dung chính
Vì sao lấy ngày 3 tháng 2 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
Căn cứ khoản 3 Mục 1 Đề cương tuyên truyền kèm theo Hướng dẫn 175-HD/BTGTW năm 2024 quy định như sau:
I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI LÀ BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
...
3. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 01/01/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.
- Từ ngày 6/01 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
...
Như vậy, ngày 3 tháng 2 được chọn là ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vì đây là ngày đánh dấu sự ra đời của một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kết thúc tình trạng chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ.
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản hoạt động song song:
- Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17/6/1929 tại Bắc Kỳ).
- An Nam Cộng sản Đảng (thành lập tháng 11/1929 tại Nam Kỳ).
- Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn (thành lập ngày 1/1/1930 tại Trung Kỳ).
Sự tồn tại cùng lúc của ba tổ chức này dẫn đến tình trạng phân tán lực lượng, không có sự thống nhất về tư tưởng và hành động.
Tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, các đại biểu đã nhất trí thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù hội nghị kéo dài đến ngày 7/2/1930, nhưng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam? (Hình từ Internet)
Thực hiện tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2025 ra sao?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 145/2013/NĐ-CP về ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quy định như sau:
Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Năm lẻ 5, năm khác:
a) Tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là đoàn thể Trung ương) và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (sau đây gọi là Đài Tưởng niệm). Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này;
b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
2. Năm tròn:
a) Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia:
Tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội, Đoàn ngoại giao và các Trưởng đại diện của Tổ chức quốc tế tại Hà Nội dự lễ kỷ niệm;
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Bí thư) đọc diễn văn kỷ niệm;
b) Các hoạt động khác được tổ chức như đối với năm lẻ 5, năm khác.
Theo đó, năm 2025 là năm lẻ 5 việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được thực hiện theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 145/2013/NĐ-CP như trên.