Về chế độ hưu trí của quân nhân chuyển ngành như thế nào theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam?

Về chế độ hưu trí của quân nhân chuyển ngành như thế nào theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam? Các giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ bao gồm?

Nội dung chính

    Về chế độ hưu trí của quân nhân chuyển ngành như thế nào theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam?

    Trả lời: Căn cứ vào điểm a, Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 159/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1, Điều 1, Nghị định 11/2011/NĐ-CP) và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 190/2011/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC thì quân nhân nhập ngũ từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01/04/2000 (hiện không thuộc diện đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng) thì được hưởng lương hưu hàng tháng.

    Như vậy, theo thông tin ông cung cấp thì ông thuộc đối tượng nêu trên nên được hưởng chế độ hưu trí đối với quân nhân theo pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành.

    Về các giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ, theo Thông tư liên tịch số 190/2011/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC cần có một hoặc một số giấy tờ sau: Quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế; lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan; lý lịch đảng viên; phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành; sổ bảo hiểm xã hội; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật (đối với thương binh).

    Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn vị cũ trước khi quân nhân phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành thôi việc, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên theo phân cấp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ hoặc cử đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên quốc phòng rồi thôi việc cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản photocopy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận; đối với các đối tượng còn giấy tờ, hồ sơ gốc tại đơn vị cũ thì đơn vị cũ thực hiện việc cấp lại cho đối tượng theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị cũ đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận, cấp lại.

    Các giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ nêu trên (bao gồm bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) phải chứng minh được tháng, năm nhập ngũ, xuất ngũ, đi lao động hợp tác quốc tế; chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc; xác định được thời gian công tác thực tế trong quân đội.

    Vậy, với câu hỏi của ông, chúng tôi trả lời ông một số vấn đề liên quan nêu trên, ông có thể đối chiếu với điều kiện thực tế của mình để thực hiện các thủ tục hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

    13