Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài bán bất động sản tại Việt Nam khi bất động sản đó được thừa kế, cần lưu ý gì?

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài bán bất động sản tại Việt Nam khi bất động sản đó được thừa kế, cần lưu ý gì? . Thủ tục cần những gì?

Nội dung chính

    Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài bán bất động sản tại Việt Nam khi bất động sản đó được thừa kế, cần lưu ý gì?

    Có hai trường hợp như sau:

    Thứ nhất: Chị bạn thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở/sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam:

    Theo quy định tại Luật Đất đai:

    - Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở/sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam:

    + Người có quốc tịch Việt Nam;

    + Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

    - Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam.

    Nếu chị bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì khi nhận di sản thừa kế là bất động sản ở Việt Nam, chị bạn có quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để đăng ký quyền sở hữu/sử dụng đối với nhà ở và đất ở đó. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở quyền sở hữu nhà ở mang tên chị bạn thì chị bạn được trực tiếp thực hiện thủ tục bán/chuyển nhượng nhà đất thuộc quyền sở hữu/sử dụng hợp pháp của mình.

    Thứ hai: Chị bạn không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở/sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam:

    Nếu chị bạn không thuộc một trong các đối tượng nêu trên thì khi được nhận thừa kế di sản là bất động sản ở Việt Nam, chị bạn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với đất ở và nhà ở, mà chỉ được hưởng giá trị của nhà đất đó. Chị bạn được trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác chuyển nhượng/ bán đất ở và nhà ở theo quy định của pháp luật.

    Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở:

    * Thẩm quyền: Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

    * Hồ sơ yêu cầu công chứng: Chị bạn nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định tại Điều 35 Luật Công chứng:

    - Đối với trường hợp chị bạn có quyền sở hữu nhà ở/sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, hồ sơ gồm:

    + Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

    + Dự thảo hợp đồng (nếu có);

    + Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

    + Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở mang tên chị bạn;

    + Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.

    - Đối với trường hợp chị bạn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với đất ở và nhà ở, hồ sơ gồm: Những giấy tờ như nêu trên nhưng vì chị bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở mang tên chị bạn nên cần cung cấp giấy tờ sau:

     + Giấy tờ về thừa kế nhà ở, đất ở được lập theo quy định của pháp luật;

    + Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở của bên để thừa kế nhà ở theo quy định như:  Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp theo quy định của Luật Nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai ....

    + Văn bản uỷ quyền bán nhà ở, đất ở được lập theo quy định của pháp luật về dân sự Việt Nam (nếu uỷ quyền cho người khác bán nhà ở, đất ở).

    * Thủ tục:  

    Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên thấy đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng (nếu có) hoặc giúp người yêu cầu công chứng soạn thảo hợp đồng dựa trên mẫu sẵn có. Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng. Sau khi được cấp hợp đồng chuyển nhượng/mua bán công chứng, người mua nhà, đất tiến hành thủ tục đăng ký quyền tài sản theo quy định của pháp luật. 

    4