Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động diễn ra như thế nào theo quy định hiện hành?

Trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động như thế nào? Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi nào? Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ nào?

Nội dung chính

    Trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động diễn ra như thế nào theo quy định hiện hành? 

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động như sau:

    Bước 1: Tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động

    Căn cứ kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản thông báo công khai việc tuyển chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp thực hiện;

    Cá nhân đăng ký trực tiếp hoặc được giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Hồ sơ dự tuyển gồm:

    - Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động;

    - Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền;

    - Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;

    - Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan;

    - Văn bản giới thiệu tham gia làm hòa giải viên lao động của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có);

    Bước 2: Rà soát người đủ tiêu chuẩn, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ ghi trong thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát người đủ tiêu chuẩn, tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định;

    Bước 3: Thẩm định hồ sơ dự tuyển

    Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định các hồ sơ dự tuyển (kể cả các hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp nhận), lựa chọn và lập danh sách vị trí bổ nhiệm của từng hòa giải viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm;

    Bước 4: Bổ nhiệm hòa giải viên lao động

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động. Thời hạn bổ nhiệm hòa giải viên lao động tối đa không quá 05 năm.

    Trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động diễn ra như thế nào theo quy định hiện hành?  (Hình từ Internet)

    Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi nào?

    Căn cứ Điều 94 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định miễn nhiệm hòa giải viên lao động:

    Miễn nhiệm hòa giải viên lao động

    1. Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động;

    b) Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 92 Nghị định này;

    c) Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật;

    d) Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động;

    đ) Từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động.

    ...

    Như vậy, hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động

    - Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn hòa giải viên lao động sau:

    + Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.

    + Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.

    + Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

    - Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật

    - Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động

    - Từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động

    Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ sau:

    - Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

    - Được cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi đang công tác tạo điều kiện bố trí thời gian thích hợp để tham gia thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định

    - Được áp dụng chế độ công tác phí quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định

    - Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức

    - Được khen thưởng về thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định

    - Được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật

    8