Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng?
Nội dung chính
Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng ra sao?
Căn cứ khoản 5 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 123 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng
...
5. Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng:
a) Sau khi nhận được thông báo khởi công xây dựng công trình của chủ đầu tư quy định tại Phụ lục V Nghị định này, cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra không quá 03 lần đối với công trình cấp đặc biệt và công trình cấp I, không quá 02 lần đối với các công trình còn lại trong quá trình từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thành công trình, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này;
b) Căn cứ báo cáo thông tin công trình của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng quyết định thời điểm tổ chức kiểm tra và thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch kiểm tra; tổ chức thực hiện kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và ra văn bản thông báo kết quả kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng công trình gửi chủ đầu tư; thời hạn ra văn bản không quá 14 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt và không quá 7 ngày đối với các công trình còn lại kể từ ngày tổ chức kiểm tra.
...
Như vậy, trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định như sau:
- Nhận thông báo khởi công: Sau khi nhận được thông báo khởi công xây dựng công trình của chủ đầu tư (theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 06/2021/NĐ-CP), cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công.
- Số lần kiểm tra:
+ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện không quá 03 lần kiểm tra đối với công trình cấp đặc biệt và công trình cấp I.
+ Đối với các công trình còn lại, số lần kiểm tra không quá 02 lần trong suốt quá trình thi công, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng hoặc trường hợp chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
- Quyết định thời điểm kiểm tra:
Căn cứ báo cáo thông tin công trình của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ quyết định thời điểm tổ chức kiểm tra và thông báo kế hoạch kiểm tra cho chủ đầu tư.
- Thực hiện kiểm tra và thông báo kết quả:
+ Cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện kiểm tra theo nội dung quy định và ra văn bản thông báo kết quả kiểm tra cho chủ đầu tư.
+ Thời hạn ra văn bản thông báo kết quả kiểm tra không quá 14 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt và không quá 7 ngày đối với các công trình còn lại kể từ ngày tổ chức kiểm tra.
Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng? (Hình từ Internet)
Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình thế nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 123 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng
...
6. Trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình:
a) Trước 15 ngày đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I hoặc trước 10 ngày đối với công trình còn lại so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định tại Điều 23 Nghị định này, chủ đầu tư phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này tới cơ quan chuyên môn về xây dựng;
b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm b khoản 4 Điều này, trường hợp công trình không được kiểm tra trong quá trình thi công theo quy định tại khoản 5 Điều này thì thực hiện kiểm tra theo các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này; ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định tại Phụ lục VII Nghị định này hoặc ra văn bản không chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trong đó nêu rõ các nội dung còn tồn tại cần được khắc phục. Thời hạn ra văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 30 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt và 20 ngày đối với công trình còn lại kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu;
c) Trong quá trình kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại (nếu có) và yêu cầu thực hiện thí nghiệm đối chứng, kiểm định xây dựng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;
d) Cơ quan có thẩm quyền được mời các tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu.
...
Theo đó, trình tự kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình gồm các bước theo quy định trên.
Kiểm tra công tác nghiệm thu có làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng không?
Căn cứ khoản 7 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng
...
7. Việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.
8. Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng do chủ đầu tư lập dự toán, thẩm định, phê duyệt và được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
9. Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.
Như vậy, việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.