Trẻ em có tự mua nhà được không?
Nội dung chính
Trẻ em có tự mua nhà được không?
Căn cứ Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định về trẻ em như sau:
Trẻ em
Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Như vậy, theo quy định pháp luật, trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Căn cứ Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:
Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, theo quy định trẻ em không được tự mua nhà, cụ thể: trẻ em dưới 6 tuổi không được mua nhà. Trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể mua nhà nhưng phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
Trẻ em có tự mua nhà được không? (Hình từ internet)
Quy định về người đại diện theo pháp luật của trẻ em?
Căn cứ Điều 136 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Như vậy, theo quy định pháp luật, người đại diện theo pháp luật của trẻ em được quy định như sau:
(i) Cha, mẹ
Hoặc
(ii) Người giám hộ trong trường hợp:
- Người dưới 18 tuổi không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Người chưa 18 tuổi có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ);
- Tòa án sẽ chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện theo pháp luật.
Điều kiện của các bên mua bán nhà ở?
Căn cứ Điều 161 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện của các bên mua bán nhà ở như sau:
(1) Điều kiện bán nhà đối với bên bán:
- Bên bán, cho thuê mua, cho thuê, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, hoặc ủy quyền quản lý nhà ở phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể theo quy định của pháp luật dân sự.
(2) Điều kiện mua nhà đối với bên mua:
(i) Trường hợp bên mua là cá nhân:
- Đối với cá nhân trong nước: Không bắt buộc phải đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở giao dịch.
- Đối với cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Phải thuộc nhóm được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của luật. Không yêu cầu đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở giao dịch. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải tuân thủ thêm quy định của Luật Đất đai.
(ii) Trường hợp bên mua là tổ chức:
- Phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể theo quy định của pháp luật dân sự, không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh hay nơi thành lập.
- Đối với tổ chức nước ngoài phải thuộc nhóm được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của luật.
- Nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở, tổ chức đó phải có chức năng kinh doanh bất động sản và đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định về kinh doanh bất động sản.