Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được quy định như thế nào từ 01/07/2018?

Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được quy định như thế nào từ 01/07/2018? Văn bản nào quy định cụ thể về nội dung này?

Nội dung chính

    Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được quy định như thế nào từ 01/07/2018?

    Theo quy định tại Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì:

    - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước.

    - Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    + Xây dựng chiến lược, chính sách về công tác bồi thường nhà nước;

    + Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; ban hành biểu mẫu, sổ sách về công tác bồi thường nhà nước;

    + Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

    + Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;

    + Hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường;

    + Theo dõi, đôn đốc công tác bồi thường nhà nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật;

    + Hằng năm, thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước báo cáo Chính phủ theo quy định;

    + Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;

    + Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong công tác bồi thường nhà nước;

    + Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về công tác bồi thường nhà nước;

    + Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;

    + Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này mà không ra quyết định hủy;

    + Giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quản lý công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực tố tụng;

    + Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    + Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước;

    + Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật này;

    + Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình;

    + Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước;

    + Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;

    + Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết;

    + Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý;

    + Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật này mà không ra quyết định hủy;

    + Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

    - Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.

    Như vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo mô hình phân tán. Do đó, bất kỳ một cơ quan nào trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở các cấp cũng có thể trở thành cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, pháp luật đặt ra một số yêu cầu nhất định đối với hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước đặc biệt là trong điều kiện mà người bị thiệt hại vốn đã ở vị trí yếu thế hơn cơ quan nhà nước trong quan hệ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

    11