09:56 - 08/01/2025

TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ? Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ?

TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ? Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ? Quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt như thế nào?

Nội dung chính

    TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ? Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ?

    Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một tuyến metro mới dài gần 49 km sẽ kết nối từ quận 7 tới Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

    Như vậy, TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ, việc bổ sung tuyến đường sắt đô thị này vào quy hoạch nhằm thúc đẩy hạ tầng giao thông và du lịch trong khu vực.

    Tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ có tổng chiều dài khoảng 48,7 km, khởi đầu tại đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), đi qua đường Nguyễn Lương Bằng, băng qua sông và tiếp nối vào đường Rừng Sác để dẫn tới Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ này sẽ được tích hợp với Metro số 4 (kết nối từ depot Nhị Bình, Hóc Môn tới Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè). Việc thực hiện dự án được dự kiến trong giai đoạn từ 2031-2050, với khả năng sử dụng buýt nhanh trong giai đoạn đầu, trước khi đầu tư vào tàu điện.

    Hiện nay, kết nối giao thông giữa huyện Cần Giờ và các khu vực khác của TP. Hồ Chí Minh chủ yếu thông qua tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, phà Bình Khánh và đường Rừng Sác. Tuy nhiên, khi các dự án lớn như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế huyện Cần Giờ được hoàn thiện, tuyến đường Rừng Sác hiện nay sẽ không còn đáp ứng đủ nhu cầu.

    Bên cạnh tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ, quy hoạch mới của TP. Hồ Chí Minh còn đề cập đến một tuyến đường sắt đô thị khác, gọi là tuyến số 11. Tuyến này sử dụng hệ thống xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt nhẹ (LRT), chạy ven sông và kết nối từ nội đô thành phố tới Củ Chi với chiều dài gần 49 km. Tuyến đường này sẽ khởi đầu tại bến xe miền Tây (quận Bình Tân), đi qua các khu vực như Lý Chiêu Hoàng, Võ Văn Kiệt, Công trường Mê Linh, Tôn Đức Thắng, Ba Son, và dọc sông Sài Gòn để tới Củ Chi. Quá trình thực hiện dự án được định hướng từ năm 2031 đến năm 2050.

    Ngoài hai tuyến trên, TP. Hồ Chí Minh đang quy hoạch tổng cộng 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến (355 km) trước năm 2035, bao gồm Metro Bến Thành - Suối Tiên và các tuyến từ số 2 đến số 7. Trong giai đoạn 2035-2045, các tuyến số 8, 9 và 10 cũng sẽ được xây dựng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ 10 tuyến metro này vào khoảng 67 tỷ USD.

    TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ? Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ? (Ảnh từ Internet)

    TP HCM sẽ có tuyến metro từ nội đô đến Cần Giờ? Tuyến metro từ Quận 7 đi Cần Giờ? (Ảnh từ Internet)

    Quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 6 Luật Đường sắt 2017 có quy định về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt.

    Theo đó, ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt được quy định như sau:

    (1) Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

    (2) Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:

    - Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;

    - Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt;

    - Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

    - Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.

    (3) Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

    (4) Tổ chức, cá nhân kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.

    115