Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam là được giao đất hay cho thuê?

Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam để xây dựng trụ sở làm việc là được giao đất hay cho thuê?

Nội dung chính

    Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam là được giao đất hay cho thuê?

    Căn cứ theo điểm i khoản 4 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất xây dựng cơ sở ngoại giao là loại đất xây dựng công trình sự nghiệp thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được sử dụng với mục đích xây dựng trụ sở ngoại giao, gồm các cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán), cơ quan lãnh sự nước ngoài (lãnh sự quán), cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ có chức năng ngoại giao; cơ sở ngoại giao đoàn do Nhà nước quản lý.

    Và tại khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai 2024 thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.

    Và theo Điều 118, Điều 119, khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 120 Luật Đất đai 2024 thì đất xây dựng cơ sở ngoại giao không thuộc trường hợp được giao đất, bên cạnh đó đất xây dựng cơ sở ngoại giao cũng không thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần. Vì vậy, đất xây dựng cơ sở ngoại giao sẽ thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.

    Đồng thời tại điểm d khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2024 thì thời hạn cho thuê đất xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm. Khi hết thời hạn, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao nếu có nhu cầu sử dụng đất thì được Nhà nước xem xét gia hạn hoặc cho thuê đất khác; thời hạn gia hạn hoặc cho thuê đất khác không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2024.

    Như vậy, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, thời hạn cho thuê để xây dựng trụ sở làm việc là không quá 99 năm, có thể được gia hạn hoặc được cho thuê đất khác.

    Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam là được giao đất hay cho thuê?

    Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất ở Việt Nam ( Hình từ Internet) 

    Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết cho thuê đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao?

    Như đã đề cập ở trên thì đất xây dựng cơ sở ngoại giao thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.

    Thẩm quyền cho thuê đất được quy định tại Điều 123 Luật Đất đai 2024, cụ thể tại điểm d khoản 1 Điều này thì việc ban hành quyết định cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sẽ được thực hiện bởi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Như vậy, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết cho thuê đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

    Việc gia hạn thời gian thuê đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao như thế nào?

    Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2024 thì thời hạn cho thuê đất xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm. Khi hết thời hạn, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao nếu có nhu cầu sử dụng đất thì được Nhà nước xem xét gia hạn hoặc cho thuê đất khác; thời hạn gia hạn hoặc cho thuê đất khác không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2024.

    Tại khoản 3 Điều 172 Luật Đất đai 2024 thì khi năm cuối của thời hạn sử dụng đất thì tổ chức này có nhu cầu gia hạn sử dụng đất phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn chậm nhất là 06 tháng trước khi hết thời hạn sử dụng đất. Nếu quá thời hạn phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn mà người sử dụng đất không nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thì không được gia hạn sử dụng đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Trong trường hợp không được phép gia hạn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất.

    Theo Điều 64 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc gia hạn thuê đất được thực hiện như sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

    Hồ sơ gia hạn sử dụng đất gồm:

    - Đơn xin gia hạn sử dụng đất theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

    - Giấy Chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định.

    - Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ.

    Bước 2: Nộp hồ sơ:

    Hồ sơ gia hạn sử dụng đất có thể nộp tại:

    - Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

    - Văn phòng đăng ký đất đai;

    - Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Bước 3: Xử lý hồ sơ:

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai giao Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai, lập trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính theo quy định hoặc làm lại hồ sơ hoặc bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai đối với trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ; rà soát, kiểm tra hồ sơ; kiểm tra thực địa;

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định gia hạn sử dụng đất theo Mẫu số 04e tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

    Hồ sơ gồm: Các hồ sơ mà người sử dụng đất nộp khi đề nghị gia hạn sử dụng đất đã nêu ở trên; trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất, tờ trình theo Mẫu số 03; dự thảo quyết định gia hạn sử dụng đất theo Mẫu số 04e. 

    Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quyết định gia hạn sử dụng đất và gửi cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai để tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức việc xác định giá đất cụ thể, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể có nội dung về trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc hướng dẫn người sử dụng đất nộp tiền thuê đất.

    Cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể.

    Bước 4: Nộp tiền thuê đất

    Cơ quan thuế xác định tiền thuê đất phải nộp theo quy định, ban hành thông báo nộp tiền thuê đất gửi cho người sử dụng đất; người sử dụng đất nộp tiền thuê đất theo quy định.

    Cơ quan thuế xác nhận hoàn thành việc nộp tiền thuê đất và gửi thông báo kết quả cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

    Bước 5: Nhận kết quả

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cấp có thẩm quyền ký cấp Giấy chứng nhận và thực hiện các công việc quy định tại khoản 4 Điều 228 Luật Đất đai 2024.

    Trường hợp người sử dụng đất không yêu cầu cấp mới Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện xác nhận thay đổi thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận đã cấp, chuyển cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để trả cho người sử dụng đất.

    Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

    Thời gian thực hiện trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất không quá 20 ngày.

    19