Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình

Chuyên viên pháp lý Phạm Thị Thu Hà
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình theo Quyết định 73/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình.

Nội dung chính

    Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình

    Căn cứ Điều 4 Quyết định 73/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình quy định tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình như sau:

    Đảm bảo nguyên tắc chuyển mục đích rừng sang mục đích khác theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017 và khoản 1 Điều 248 Luật Đất đai 2024, khoản 22 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP.

    - Có dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, trừ trường hợp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Dầu khí 2022; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

    - Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt đối với trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

    - Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

    - Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình

    Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình (Hình từ Internet) 

    Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại tỉnh Ninh Bình

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 73/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm:

    - Ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện các nội dung trình Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để thực hiện dự án;

    - Định kỳ trước ngày 15 tháng 10 hàng năm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu, lập danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 50 Nghị định 102/2024/NĐ-CP;

    Trong trường hợp thật cần thiết để thu hút đầu tư các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu, lập danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào các kỳ họp đột xuất hoặc kỳ họp chuyên đề;

    - Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp nhu cầu, lập danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

    Chuyển đất rừng phòng hộ sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp có cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép không?

    Căn cứ quy định tại Điều 121 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Chuyển mục đích sử dụng đất
    1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
    a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
    b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
    c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
    d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
    đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
    e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
    g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
    2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
    3. Việc chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Như vậy, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    59
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ