Thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất sẽ bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi điểm e khoản 5 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
5. Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham dự phiên đấu giá;
b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và khoản 5 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có cụm từ bị thay thế bởi điểm h khoản 1 Điều 2 và được sửa đổi bởi điểm c khoản 22 Điều 1 Nghị định 117/2024/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất cụ thể là:
Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản
..
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nếu người thực hiện hành vi vi phạm là người trúng đấu giá; khoản 2 Điều này dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công khi có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và g khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 trong trường hợp dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá và khoản 4 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, g và h khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, người có hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất còn có thể bị đối mặt với trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất, tùy theo mức độ thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho người khác, sẽ đối mặt với trách nhiệm hình sự như: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Người có hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
- Người có hành vi thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thông đồng thổi giá đất trong đấu giá đất sẽ bị xử phạt như thế nào? (Hình từ internet)
Giá khởi điểm đấu giá đất được xác định như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, giá khởi điểm đấu giá đất (đấu giá quyền sử dụng đất) được xác định như sau:
- Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá đất (đấu giá quyền sử dụng đất) có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các thửa đất, khu đất đấu giá. Hồ sơ gồm: thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trích lục bản đồ địa chính hoặc mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá trong trường hợp chưa có bản đồ địa chính;
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức xác định giá khởi điểm theo quy định của pháp luật.
Các loại thuế phải nộp khi trúng đấu giá đất?
Sau khi trúng đấu giá đất (đấu giá quyền sử dụng đất), người trúng đấu giá phải nộp các khoản thuế, phí như sau:
(1) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất:
Căn cứ quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP:
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người đã trúng đấu giá.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất vào Kho bạc nhà nước và chuyển chứng từ đã nộp tiền cho cơ quan tài nguyên và môi trường để làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
(2) Lệ phí trước bạ:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định:
Đối tượng chịu lệ phí trước bạ
1. Nhà, đất.
...
Đồng thời Điều 4 Nghị định 10/2022/NĐ-CP cũng có quy định:
Người nộp lệ phí trước bạ
Tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ quy định tại Điều 3 Nghị định này phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc đối tượng miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Căn cứ 02 quy định trên, người trúng đấu giá đất (đấu giá quyền sử dụng đất) phải nộp lệ phí trước bạ.
Lưu ý: Ngoài 02 khoản thuế, phí trên, người trúng đấu giá đất (đấu giá quyền sử dụng đất) còn phải nộp các khoản phí khác như lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tùy thuộc vào từng địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư 85/2019/TT-BTC.
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.