Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Thời gian để nộp báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động 06 tháng đầu năm 2024 là khi nào?

Thời gian nộp báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động 06 tháng đầu năm 2024 là khi nào? Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện gì để được cấp giấy phép?

Nội dung chính

    Thời gian để nộp báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động 06 tháng đầu năm 2024 là khi nào?

    Căn cứ Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP và bổ sung bởi khoản 2 Điều 49 Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại:

    Trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại
    ...
    2. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; đồng thời báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn đó đối với trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động. Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 12
    ...

    Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động 6 tháng đầu năm 2024 trước ngày 20/6/2024.

    Báo cáo được gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động đặt trụ sở chính hoặc có hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn khu công nghệ cao thì khi gửi các báo cáo thì gửi thêm 01 bản báo cáo cho Ban quản lý khu công nghệ cao.

    Thời gian để nộp báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động 06 tháng đầu năm 2024 là khi nào? (Hình từ Internet)

    Doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện gì để được cấp giấy phép?

    Theo Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép cụ thể như sau:

    Điều kiện cấp giấy phép
    1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:
    a) Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
    b) Không có án tích;
    c) Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
    2. Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).

    Như vậy, để được cấp giấy phép, doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần đáp ứng điều kiện sau đây:

    - Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

    - Không có án tích;

    - Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

    Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng.

    Doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẽ bị thu hồi giấy phép trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc thu hồi giấy phép cụ thể như sau:

    Thu hồi giấy phép
    1. Doanh nghiệp cho thuê lại bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây:
    a) Chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động theo đề nghị của doanh nghiệp cho thuê lại;
    b) Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;
    c) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này;
    d) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
    đ) Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
    e) Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.
    2. Hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép đối với trường hợp quy định tại các điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, gồm:
    a) Văn bản đề nghị thu hồi giấy phép theo Mẫu số 06/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
    b) Giấy phép đã được cấp hoặc văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại đối với trường hợp giấy phép bị mất;
    c) Báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động của doanh nghiệp theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
    d) Bản sao hợp đồng cho thuê lại lao động đang còn hiệu lực đến thời điểm đề nghị thu hồi giấy phép.
    ...

    Theo đó, doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẽ bị thu hồi giấy phép trong trường hợp sau đây:

    [1] Chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động theo đề nghị của doanh nghiệp cho thuê lại;

    [2] Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

    [3] Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

    [4] Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

    [5] Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

    [6] Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

    4