Thi hành án dân sự đối với quyết định giám đốc thẩm được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thi hành án dân sự đối với quyết định giám đốc thẩm được quy định như thế nào?
Trường hợp anh nêu, tại thời điểm ngày 26/12/2006 cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, biên bản cưỡng chế của cơ quan thi hành án buộc ông Nghệ giao đất cho bà Nguyệt và bà Nguyệt nộp cho cơ quan thi hành án 12.100.000đ thì bản án của Toà án đang có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc thi hành án, cưỡng chế thi hành án là có cơ sở pháp luật, đúng với nội dung bản án của Toà án đang có hiệu lực thi hành lúc đó. Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự không sai trong việc thi hành án đó.
Sau khi cơ quan thi hành án dân sự thực hiện xong việc cưỡng chế thì ngày 10/03/2010 mới có Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm 196/2006/DSPT. Do anh không nêu rõ quyết định giám đốc thẩm huỷ bản án nhưng giao về cho Toà án nào xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại. Vì vậy, việc giải quyết phụ thuộc vào kết quả xét xử mới của Toà án. Khi đó, việc thi hành án, kể cả việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Nghệ (nếu có) tuỳ tình hình cụ thể thực hiện theo quy định tại Điều 134, 135 hoặc Điều 136 Luật Thi hành án dân sự 2008, như sau:
Điều 134. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bản án, quyết định đó chưa thi hành hoặc đã thi hành được một phần thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án. Trường hợp bản án, quyết định đó đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
Điều 135. Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa
1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa thì việc thi hành được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa.
2. Đối với phần bản án, quyết định của Toà án cấp dưới không bị huỷ, bị sửa mà chưa được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án; nếu đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
3. Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị huỷ, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 136. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này.
Theo đó, việc thi hành án, kể cả việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Nghệ (nếu có) tuỳ tình hình cụ thể thực hiện theo quy định tại Điều 134, 135 hoặc Điều 136 Luật Thi hành án dân sự 2008 nêu trên.